Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào?

09/12/2021 06:25 GMT+7
Thông tin về việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu rau quả của Việt Nam 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là không chính xác. Đây là khẳng định của Hiệp hội Rau Quả Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả của Việt Nam. Khoảng 80% lượng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu qua đường biển.

Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch theo chiến lược "Zero Covid". Mới đây, nước này quyết định sẽ áp dụng nghiêm ngặt việc cách ly đối với các thủy thủ đoàn. Vì vậy, một số nhà khai thác tàu trung chuyển qua các cảng ở miền Nam Trung Quốc đã quyết định sẽ tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Như vậy, việc vận tải hàng hóa qua cảng biển sẽ gặp khó khăn hơn và gây áp lực cho việc xuất khẩu đường bộ. Tuy nhiên, đây sẽ là khó khăn chung đối với việc xuất khẩu rau quả đi các quốc gia, vùng lãnh thổ qua các cảng trung chuyển tại miền Nam Trung Quốc chứ không riêng gì với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào? - Ảnh 1.

Thông tin về việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu rau quả của Việt Nam 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán là không chính xác. Ảnh: CTV

Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021, hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm 54,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Hiệp định thư xuất khẩu nông sản nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan phía Trung Quốc kiểm tra. Việc này gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc. 

Do phải kiểm tra toàn bộ, nên hàng được thông quan chậm hơn, tiêu thụ ít hơn nguồn cung thực tế. Nếu có ký kết Hiệp định thư, hàng rau quả của Việt Nam phải được đóng gói một cách chuyên nghiệp, truy xuất nguồn gốc tốt, bảo đảm đủ quy định của Trung Quốc, thì hàng rau quả của Việt Nam sẽ xuất khẩu được nhiều hơn sang thị trường Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản, rau quả, thủy hải sản của Việt Nam khi liên tục gia tăng, siết chặt các quy định nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trần Thanh Hải thừa nhận, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chững lại. Một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác chu đáo, chuẩn mực. Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…).

Đặc biệt, việc liên kết nông dân, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan; ước tính tháng 11/2021

Được biết, theo ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 260 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 10/2021, nhưng giảm 0,4% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tiếp tục xu hướng phục hồi từ tháng 10/2021, tình hình sản xuất hàng rau quả trong tháng 11/2021 đã trở lại bình thường, trị giá xuất khẩu hàng rau quả được cải thiện. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. 

Dự kiến hàng rau quả xuất khẩu trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 sẽ khả quả hơn.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào? - Ảnh 3.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Thời gian qua, hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 10 và 11/2021. Ngoài Trung Quốc, hàng rau quả của ta còn xuất khẩu mạnh sang các thị trường khác trong 10 tháng năm 2021 như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường Đài Loan…

Trước đó, ngày 5/11/2021, Lào và Trung Quốc đã ký kết một quy trình kiểm dịch thực vật mới cho việc xuất khẩu cam, quýt để mở đường cho trái cây có múi từ Lào được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được coi là áp lực mới cho trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc vì phải cạnh tranh thêm với trái cây từ Lào.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc cuối năm sẽ biến động thế nào? - Ảnh 5.

Đến nay, 4 loại trái cây của Lào đã được chấp thuận xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là chuối, dưa hấu, chanh dây và cam quýt.

Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn producereport.com, ngày 5/11/2021 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã ký kết một quy trình kiểm dịch thực vật mới cho việc xuất khẩu cam quýt và trái cây có múi từ Lào được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. 

Lào có tổng diện tích trồng cây có múi trên toàn quốc khoảng 3.620 ha, chủ yếu ở 9 tỉnh: Luang Namtha, Bokeo, Sainyabuli, Luang Prabang, Vientiane, Bolikhamxai, Savannakhet, Champasak và Attapeu, chiếm 70% tổng sản lượng cây trồng để xuất khẩu. 

Năm 2022, dự tính Lào sẽ xuất khẩu 50.000 tấn trái cây có múi, trị giá khoảng 50 triệu USD sang thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% hàng nông sản xuất khẩu của Lào, trong đó sắn, chuối, dưa hấu, mía đường và cao su là những mặt hàng xuất khẩu chính. 

Đến nay, 4 loại trái cây của Lào đã được chấp thuận xuất khẩu sang Trung Quốc, đó là chuối, dưa hấu, chanh dây và cam quýt. Một số loại trái cây khác của Lào như sầu riêng, nhãn, mít và thanh long cũng đang được đàm phán để tiếp cận thị trường Trung Quốc.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục