Trung Quốc tiếp tục "dội nước lạnh" vào thị trường tiền điện tử

19/05/2021 09:29 GMT+7
Tờ CNBC đưa tin Trung Quốc hiện đã tuyên bố cấm các tổ chức tài chính và công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử và cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro từ xu hướng đầu cơ tiền điện tử.

Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm kìm hãm thị trường giao dịch tiền tệ kỹ thuật số đang nóng lên trong những tháng qua.

Theo lệnh cấm của Bắc Kinh, các tổ chức, doanh nghiệp bao gồm ngân hàng và nền tảng tài chính thanh toán trực tiếp không được phép cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền điện tử, chẳng hạn như đăng ký, giao dịch và thanh toán. Tuyên bố chung được đưa ra bởi 3 cơ quan liên ngành Trung Quốc bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc hôm 18/5. 

“Gần đây, giá tiền điện tử đã tăng chóng mặt trước khi lao dốc mạnh mẽ. Các giao dịch đầu cơ tiền điện tử đã tăng lên, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định tài sản của nhà đầu tư đồng thời phá vỡ trật tự tài chính và kinh tế thông thường” - tuyên bố nhấn mạnh.

Trung Quốc tiếp tục "dội nước lạnh" vào thị trường tiền điện tử - Ảnh 1.

Trung Quốc tiếp tục "dội nước lạnh" vào thị trường tiền điện tử

Trung Quốc trước đây đã cấm các sàn giao dịch tiền điện tử nhưng không cấm các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ tiền điện tử. Các tổ chức không được cung cấp dịch vụ tiết kiệm, ủy thác hoặc cầm cố tiền điện tử, cũng như không phát hành sản phẩm tài chính liên quan đến tiền điện tử, tuyên bố cũng cho biết.

Đây không phải động thái đầu tiên của Bắc Kinh chống lại tiền kỹ thuật số. Vào năm 2017, Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước của mình, dập tắt một thị trường đầu cơ vốn chiếm 90% giao dịch bitcoin toàn cầu.

Vào tháng 6 năm 2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã ban hành một tuyên bố cho biết họ sẽ chặn quyền truy cập vào tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước và nước ngoài và các trang web cung cấp tiền kỹ thuật số nhằm mục đích ngăn chặn tất cả giao dịch tiền điện tử.

Tuyên bố mới nhất của Bắc Kinh cũng nhấn mạnh những rủi ro của giao dịch tiền điện tử, nói rằng tiền ảo “không được điều chỉnh trên cơ sở giá trị thực”. Điều đó dẫn đến hiện tượng dễ biến động giá. Các hợp đồng giao dịch tiền điện tử cũng không được luật pháp Trung Quốc bảo vệ.

Không riêng Trung Quốc, các chính phủ toàn cầu cũng tỏ ra thận trọng với bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung.

Trong một tuyên bố hồi tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh câu hỏi về tính hợp pháp và tính ổn định của loại tiền điện tử này. “Tôi không nghĩ rằng bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch” - bà Janet Yellen trả lời tờ CNBC tại một hội nghị của New York Times. “Ở mức độ mà nó đang được sử dụng hiện nay, tôi cho rằng việc sử dụng bitcoin (như một tài sản thanh toán tài chính) là bất hợp pháp. Vô cùng kém hiệu quả khi thực hiện các giao dịch (bằng bitcoin), năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch như vậy là rất lớn”.

Bên cạnh tính hợp pháp, bà Janet còn bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định của đồng bitcoin, khi giá bitcoin liên tục lập đỉnh rồi lại rớt sâu xuống đáy trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ khi nó xuất hiện đến nay. “Đó là một tài sản có tính đầu cơ cao… Tôi nghĩ mọi người nên cảnh giác về sự biến động quá lớn của nó. Tôi quan ngại sâu sắc về những tổn thất tiềm ẩn mà các nhà đầu tư có thể phải chịu”.

Nhiều cơ quan chính phủ trong đó có Trung Quốc đã và đang xem xét ý tưởng triển khai một loại tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương quản lý với hy vọng mở ra hệ thống thanh toán toàn cầu trên nền tảng không dùng tiền mặt. Cục Dự trữ Liên bang FED, nơi bà Yellen từng giữ chức vụ Chủ tịch, hiện đang nghiên cứu vấn đề này và dự kiến sẽ triển khai ý tưởng về loại tiền tệ kỹ thuật số mới trong vài năm tới. “Tôi nghĩ nó sẽ tạo nên hệ thống thanh toán nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm hơn, đó là những mục tiêu quan trọng” - vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.


NTTD
Cùng chuyên mục