Trung Quốc tố Mỹ có "ý định độc ác" khi Trump ký dự luật Nhân quyền Hồng Kông
Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền tại Hồng Kông, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/11 cũng chính thức đặt bút ký vào dự luật nhạy cảm này. Phản ứng trước động thái từ Nhà Trắng, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát đi cam kết bảo vệ đường lối một quốc gia, hai thể chế mà Bắc Kinh đang theo đuổi nhằm “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thịnh vượng của đất nước”.
Về phía Tổng thống Donald Trump, ông khẳng định đã ký dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông với sự tôn trọng dành cho Chủ tịch Tập Cận Bình, đất nước Trung Quốc cùng người dân Hồng Kông. “Dự luật được ban hành với kỳ vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hồng Kông đạt được sự đồng thuận trong giải quyết tranh chấp để mang lại sự hòa bình, thịnh vượng lâu dài”.
Nội dung ông Trump thông qua gồm 2 đạo luật riêng biệt. Đạo luật đầu tiên cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt một khi chính quyền Trung Quốc và các quan chức lãnh đạo Hồng Kông có hành vi vi phạm nhân quyền và dân chủ với người biểu tình. Đạo luật còn lại có nội dung cấm xuất khẩu vũ khí như đạn cao su, hơi cay cho cảnh sát Hồng Kông.
Chỉ vài tiếng sau khi Trump tuyên bố thông qua dự luật này, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức phản ứng.
“Chúng tôi đề nghị Mỹ không tiếp tục có những hành động tùy tiện. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ kiên quyết phản ứng lại và Mỹ sẽ gánh chịu mọi hậu quả (cho hành động của mình)” - trích lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Chính phủ Hồng Kông cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với việc Trump đặt bút ký hợp pháp hóa dự luật Nhân quyền thành luật. “Hai dự luật này là một sự can thiệp rõ rệt vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông một cách vô căn cứ, đồng thời có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ Mỹ - Hồng Kông”.
Việc ông Trump thông qua dự luật Dân chủ và Nhân quyền cho Hồng Kông đến đúng vào thời điểm nhạy cảm trong đàm phán thương mại Mỹ Trung, khi cả Bắc Kinh và Washington đều bày tỏ mong muốn đạt đến thỏa thuận giai đoạn 1 trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra rằng đạo luật mới đây có khả năng làm mờ đi triển vọng thỏa thuận, nhất là khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết mâu thuẫn thương mại. Trung Quốc kỳ vọng thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ thêm thuế quan, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phớt lờ khả năng này.
Hôm 26/11, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố phái đoàn đàm phán hai nước đang tiến rất gần đến thỏa thuận thương mại. Nhưng với dự luật Dân chủ và Nhân quyền vừa thông qua mới đây, khó có thể khẳng định tương lai của thỏa thuận này. Một số chuyên gia phân tích thậm chí dự đoán thỏa thuận Mỹ Trung khó có thể đến trong năm 2019, đồng nghĩa với việc căng thẳng thương mại rất có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài.