Donald Trump và Tập Cận Bình không nhượng bộ, thỏa thuận Mỹ Trung khó ký kết trước bầu cử
Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1: động cơ chính trị đã rõ
Chia sẻ với CNBC hồi cuối tuần trước, ông Stephen Roach, cựu chủ tịch Morgan Stanley khu vực Châu Á, hiện là giảng viên cao cấp từ học viện Jackson thuộc đại học Yale nhận định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới về cơ bản là một “thỏa thuận rỗng”, không mang đến kết quả cụ thể nào.
Ông Roach nhận định thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 thực chất chỉ là một nước cờ, một phương tiện chính trị mà Tổng thống Donald Trump sử dụng trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020-2024. “Nhưng thật thiếu sót khi giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại song phương của Mỹ với 102 quốc gia trên thế giới dựa trên thâm hụt thương mại Mỹ Trung” - cựu giám đốc Morgan Stanley nhận định.
Từ hồi tháng 10/2019 đến nay, sau khi hai phái đoàn thương mại Mỹ Trung tuyên bố nhất trí thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong nỗ lực chấm dứt căng thẳng kéo dài hơn một năm nay, thị trường quốc tế đã háo hức chờ đợi ngày thỏa thuận được ký kết. Bắc Kinh và Washington dự định ký thỏa thuận bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Santiago, tuy nhiên Chile bất ngờ hủy đăng cai APEC do tình hình bất ổn xã hội trong nước, khiến thỏa thuận bị trì hoãn. Những mâu thuẫn nảy sinh sau đó, nhất là khi Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật nhân quyền cho Hồng Kông đã thổi bùng nguy cơ thỏa thuận Mỹ Trung không thể ký kết trong năm nay.
Ông Stephen Roach cảnh báo ngay cả khi được ký kết, thỏa thuận giai đoạn 1 cũng sẽ đầy “thiếu sót và nực cười”, bởi nó mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là một động thái giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
“Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 là một nỗ lực lố bịch khi không giải quyết được bất kỳ xung đột thương mại cốt lõi nào khiến Mỹ phải áp đặt các đòn trừng phạt thuế quan hàng trăm tỷ USD trong một năm rưỡi vừa qua. Nhìn chung, nó là một nỗ lực hời hợt để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng này” - ông Stephen Roach nói trong cuộc trò chuyện với CNBC.
Stephen Roach không phải là phân tích duy nhất cân nhắc về ý nghĩa của thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump đánh giá là một bước tiến tích cực và “đặc biệt quan trọng”. Chiến lược gia Beat Wittmann từ Porta Advisors hồi tuần trước cũng chia sẻ với CNBC rằng thị trường không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngắn hạn. Những dự đoán tiêu cực liên tiếp được đưa ra bất chấp việc cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow và Tổng thống Donald Trump liên tục khẳng định thỏa thuận thương mại đang đến rất gần.
Thỏa thuận giai đoạn hai ngày càng xa vời
Hồi tháng 10, sau những diễn biến lạc quan của đàm phán thương mại, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ bắt tay vào đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2 ngay sau khi ký kết thành công thỏa thuận giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của thỏa thuận được cho là sẽ đi sâu giải quyết các xung đột thương mại cốt lõi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới như vấn đề trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp Chính phủ phá vỡ môi trường kinh doanh lành mạnh…
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vất vả tiến hành các cuộc thảo luận để hoàn tất thỏa thuận giai đoạn 1, thì thỏa thuận giai đoạn 2 ngày một xa vời.
Nhiều nguồn tin của CNBC cho hay Nhà Trắng dự kiến sẽ tăng cường gây áp lực cho Bắc Kinh để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp đến gần. 16 tháng chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy kinh tế thế giới đến nguy cơ suy thoái, gây tổn thất nặng nề cho ngành nông nghiệp Mỹ. Trong khi các quan chức Mỹ duy trì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, thị trường đã bắt đầu đặt ra câu hỏi liệu kết quả cuối cùng có xứng đáng với cái giá đắt đỏ ấy hay không khi mà Bắc Kinh vẫn chưa chịu thỏa hiệp, giải quyết các xung đột thương mại cốt lõi.
Tờ Reuters thậm chí đưa tin rằng thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 có thể sẽ bị lùi thời hạn sang năm 2020 khi mà Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy chính quyền Trump dỡ bỏ thêm các kế hoạch trừng phạt thuế quan. Nguồn tin này tiết lộ thêm Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 2 trước bầu cử Tổng thống, để chờ xem liệu Trump có đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Costa, một thành viên quan trọng trong Ủy ban Nông nghiệp Liên bang đã xác nhận thông tin tương tự. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của ông Trump rằng phía Trung Quốc đang cần một thỏa thuận hơn bao giờ hết do tình hình kinh tế lao đao, nguy cơ suy thoái bủa vây.
“Chính Trump là người sốt sắng hơn trong việc ký kết thỏa thuận chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ đợi” - một quan chức Trung Quốc giấu tên tiết lộ.
Khi Donald Trump và Tập Cận Bình đều không nhượng bộ
Chính quyền Donald Trump ban đầu đưa ra mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đó là tái cấu trúc mối quan hệ Mỹ Trung, giải quyết triệt để các hành vi thương mại không công bằng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây ra trên thị trường quốc tế. Sự hỗ trợ tích cực của lưỡng đảng Mỹ khi đó đã cho Trump những động cơ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hàng loạt hành vi như gián điệp kinh tế, tấn công mạng, chuyển giao công nghệ bắt buộc, bán phá giá, trợ cấp chính phủ…
Nhưng nhìn vào thỏa thuận giai đoạn 1, đa số những mối quan ngại cốt lõi trên đều bị lờ đi. Nội dung thỏa thuận này chỉ tập trung vào cam kết mua nông sản và một số điều khoản sở hữu trí tuệ, ngoài ra đỉnh chỉ kế hoạch tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. “Đó là những vấn đề dễ dàng. Các xung đột cốt lõi khó giải quyết hơn là gián điệp công nghiệp, bản quyền, quyền riêng tư vào bảo mật” - Nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Costa nhấn mạnh.
Ngay chính nội bộ cố vấn kinh tế Nhà Trắng của Trump cũng đang bị chia rẽ bởi hai luồng ý kiến: một số thúc đẩy Trump tiến tới thỏa thuận thương mại để xoa dịu thị trường và giành lợi thế trên con đường tái tranh cử, số khác muốn tiến tới một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn.
Matthew Goodman, cựu quan chức chính phủ Hoa Kỳ và chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì nhận định: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng không sẵn sàng nhượng bộ. Có cơ hội cho cả hai bên tiến tới thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng ít khả năng đạt đến thỏa thuận toàn diện trước bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Vấn đề quan trọng ở đây là Mỹ thiếu một chiến lược đủ chặt chẽ để đối phó với Trung Quốc”.