Trung Quốc xin tài trợ nghiên cứu tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng
Thông tin này được đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xác nhận với Etime. Liên danh tư vấn xin tài trợ chi phí nghiên cứu gồm Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) và Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt (Trung Quốc).
Được biết, theo quy hoạch, tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai - Hải Phòng là 392 km, chạy theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải - Hải Phòng).
Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, Bộ GTVT có các buổi làm việc với UBND các tỉnh Yên Bái, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng về phương án quy hoạch tuyến đường sắt này.
Hiện tuyến đường sắt từ Lào Cai đến Hải Phòng có tuyến đường sắt khổ 1.000 mm. Liên danh tư vấn Trung Quốc đề xuất 2 phương án là cải tạo đường hiện có thành khổ lồng (thêm khổ đường 1.435 mm) hoặc giữ nguyên hiện trạng tuyến cũ, xây dựng tuyến mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm.
Trên tuyến có 73 cây cầu lớn (tổng chiều dài hơn 130 km), 25 hầm (tổng chiều dài 25 km), 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Dự báo năng lực vận tải là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày, vận tải cả hàng hóa và hành khách. Tốc độ thiết kế là 160 km/h (tuyến hiện tại có vận tốc trung bình 50 km/h, vận tốc tối đa 80 km/h).
Dự kiến tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai - Hải Phòng sẽ do Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 và xây dựng sau năm 2025.
Thông tin Bộ GTVT lên phương án xây dựng tuyến đường sắt liên vận quốc tế nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, chúng ta đã có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai rồi thì tại sao không củng cố tuyến này lên, thực hiện tốt logistics để vận chuyển hàng hoá mà phải xây dựng tuyến mới. Đây là điều phải quan tâm, đánh giá.
Hà Nội - Hải Phòng hiện có 3 tuyến gồm quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường sắt nên chiến lược phát triển này của Bộ Giao thông Vận tải là theo kiểu mỳ ăn liền, cái gì ngon, đầu tư nhiều tiền thì làm trước. Như vậy là lãng phí, đầu tư đường sắt gấp 3,4 lần đường bộ.
Nhìn nhận về tính khả thi của dự án, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, tuyến giao thông nào trước khi làm cũng phải có luận chứng xem lượng hàng lưu thông bao nhiêu, người đi lại, rút ngắn bao thời gian, giảm bao nhiêu chi phí vận tải và quan trọng là tiềm năng về tài chính có đủ hay không. Nếu có luận chứng đầy đủ thì mới làm được.
Bên hành lang Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên Huế) lại cho rằng việc bỏ kinh phí 100.000 tỷ đồng để đầu tư cho một dự án đường sắt trong bối cảnh ngành đường sắt đang thiếu vốn nghiêm trọng là thiếu hợp lý.
Theo ông Nghĩa, với kinh phí lớn như thế này không một doanh nghiệp nào dám bỏ ra số tiền lớn như thế này để làm dự án. Đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, hãy lấy dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học "đắt giá" trong việc quy hoạch bất kỳ một dự án đường sắt nào tiếp theo.