Trước thềm ĐHĐCĐ, loạt lãnh đạo Đầu tư Hải Phát (HPX) nộp đơn từ nhiệm

21/04/2024 08:46 GMT+7
Ngày 19/4, Đầu tư Hải Phát nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế.

Lý do từ nhiệm của ba lãnh đạo Đầu tư Hải Phát đều là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.

Điểm đáng chú ý, ông Vũ Hồng Sơn là người của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, được bầu nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT Đầu tư Hải Phát từ ngày 21/10/2023 sau khi nhóm CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát mua vào nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ tại Đầu tư Hải Phát vào ngày 14/9/2023.

Mới đây, trong phiên ngày 1/4 vừa qua, CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát bán ra hơn 35 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,997%, qua đó không còn là cổ đông lớn của Hải Phát.

Như vậy, sau khi không còn là cổ đông lớn tại Đầu tư Hải Phát, nhóm cổ đông liên quan CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát cũng thực hiện rút người khỏi Hội đồng quản trị Đầu tư Hải Phát.

Đầu tư Hải Phát dự trình lợi nhuận giảm 22%, muốn huy động 3.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu

Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2024, Hải Phát đã đề ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 với mục tiêu doanh thu là 2.800 tỷ đồng, tăng 66,7% so với năm 2023. Lợi nhuận dự kiến sau thuế là 105 tỷ đồng, giảm 22%, và tỷ lệ cổ tức dự kiến là 5%.

Để thu thập vốn cho các hoạt động sắp tới, Hải Phát đưa ra hai phương án chào bán cổ phiếu. Một trong số đó là chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện tại với tỷ lệ 2:1, nghĩa là mỗi cổ đông sẽ có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới cho mỗi 2 cổ phiếu hiện có, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu dự kiến được chào bán là gần 160 triệu, ước tính huy động được 1.597 tỷ đồng.

Phương án thứ hai là chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp, dự kiến huy động được 1.403 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (ít hơn 100 nhà đầu tư). 

Nếu cả hai phương án được triển khai thành công, số tiền mà Hải Phát có thể huy động sẽ lên đến khoảng 3.000 tỷ đồng. Công ty dự định sử dụng số tiền này cho việc tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đầu tư vào công ty con để tái cơ cấu và thanh toán nợ đến hạn, đồng thời đầu tư vào việc phát triển các dự án của công ty và bổ sung vốn lưu động.

Với việc trả cổ tức và chào bán cổ phiếu, vốn điều lệ của Hải Phát dự kiến sẽ tăng từ 3.042 tỷ đồng lên 6.194 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2025.

Sau hơn 6 tháng bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 11/9/2023, cổ phiếu HPX đã được giao dịch trở lại từ ngày 20/3/2024 và tính tới ngày 19/4/2024 đang giao dịch vùng 6.060 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 39,4% so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục