Trước thềm ra mắt iPhone 11, Apple dính cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật lao động tại Trung Quốc

09/09/2019 11:53 GMT+7
China Labor Watch, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại NewYork chuyên bảo vệ quyền lợi người lao động Trung Quốc mới đây đã cáo buộc Apple và đối tác của nó - Foxconn vi phạm luật lao động của Trung Quốc khi sử dụng quá nhiều nhân viên tạm thời để chạy theo tiến độ sản xuất, lắp ráp iPhone.

Bên trong nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Trung Quốc

Báo cáo được China Labor Watch (CLW)  ngay trước sự kiện ra mắt iPhone 11 của Apple vào 10.9 tới đây. Theo đó, kết quả điều tra của tổ chức này cho thấy họ đã phát hiện nhiều hoạt động vi phạm quyền lao động trong nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (còn gọi là Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải) tại Trung Quốc. Trong đó, số lượng nhân công tạm thời vượt quá quy định và điều kiện làm việc khắc nghiệt là hai yếu tố được nhấn mạnh.

Cụ thể, theo cuộc điều tra bí mật của mình, CLW phát hiện số nhân công tạm thời tại nhà máy của Foxconn hồi tháng 8 hiện chiếm 50% lực lượng lao động. Trong khi đó, luật lao động Trung Quốc quy định tỷ lệ nhân công tạm thời tối đa là 10%.

“Cuộc điều tra mới đây của chúng tôi về điều kiện làm việc tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu đã vạch trần nhiều vi phạm trong chuỗi cung ứng của Apple. Apple có trách nhiệm cải thiện cơ bản môi trường làm việc tại các nhà máy thuộc chuỗi cung ứng của mình, nhưng họ đã không làm thế. Gã khổng lồ này đang tìm cách chuyển khoản chi phí (bao gồm cả thuế quan) do chiến tranh thương mại Mỹ Trung bằng việc khai thác, vắt kiệt nhân công Trung Quốc thông qua các đối tác như Foxconn”, theo CLW

Báo cáo của CLW chỉ ra Foxconn đã tận dụng khoảng 50% người lao động tạm thời vào tháng 8, bao gồm cả sinh viên thực tập. Những sinh viên này đã trở lại trường vào cuối tháng 8, nhưng tỷ lệ nhân công tạm thời trong nhà máy hiện vẫn đạt mức gần 30%, vượt quá tiêu chuẩn mà Luật lao động Trung Quốc quy định. 

Ngay sau cáo buộc của CLW, Apple đã lên tiếng thừa nhận họ phát hiện tỷ lệ nhân công tạm thời vượt quá tỷ lệ luật pháp cho phép và đã hợp tác chặt chẽ với Foxconn để giải quyết vấn đề này với những biện pháp khắc phục tức thời.

“Chúng tôi tin rằng mọi công nhân trong chuỗi cung ứng của Apple nên được đối xử bằng sự tôn trọng. Để đảm bảo các tiêu chuẩn luật lao động được tuân thủ, Apple sẽ thắt chặt hệ thống quản lý, tích cực đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền quyền lợi lao động, tiến hành khảo sát người lao động thường xuyên, xây dựng các kênh khiếu nại nặc danh…”, trích dẫn tuyên bố của Apple.

Apple cũng cho hay trong năm 2018, gã khổng lồ công nghệ đã thực hiện tới 44.000 cuộc phỏng vấn trong toàn chuỗi cung ứng để khảo sát các quy định lao động, ngăn chặn tình trạng lao động trái phép.

Còn Foxconn sau đó cũng phát đi thông báo thừa nhận vi phạm này. “Chúng tôi đã tìm thấy nhiều bằng chứng về việc sử dụng nhân viên điều phối (tức nhân công tạm thời) và số giờ tăng ca vượt quá quy định. Dù đây là những hành động tự nguyện của người lao động, nhưng điều này không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của công ty”.  Foxconn cũng cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và giải quyết các vấn đề tại nhà máy Trịnh Châu trong thời gian sớm nhất để đáp ứng các nguyên tắc mà công ty đặt ra.

Tháng trước, Foxconn đã buộc phải sa thải 2 giám đốc điều hành nhà máy sau khi CLW cáo buộc một số nhà máy đang sử dụng người lao động chưa đủ tuổi một cách bất hợp pháp trong dây chuyền sản xuất loa Echo theo đơn hàng của Amazon.

Foxconn thừa nhận có tình trạng sử dụng lao động tạm thời vượt quá tiêu chuẩn quy định

Đây không phải lần đầu tiên chuỗi cung ứng của Apple phải đối mặt với những cáo buộc, chỉ trích về điều kiện lao động khắc nghiệt và những vi phạm quyền lao động. Hồi cuối năm 2017, Foxconn từng bị cáo buộc sử dụng cả học sinh trung học làm việc ngoài giờ bất hợp pháp trong nhà máy sản xuất lắp ráp iPhone của mình. Trong trường hợp này, dễ thấy phía Foxconn đã huy động hàng chục ngàn nhân công tạm thời để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu iPhone khi kỳ nghỉ mùa đông và Tết sắp đến gần. Theo báo cáo của CLW, Foxconn đang tìm cách nâng năng lực sản xuất, lắp ráp lên khoảng 12.000 chiếc iPhone mỗi ca làm việc tại nhà máy Trịnh Châu. Mẫu iPhone XS phức tạp hơn iPhone X nên cần số lượng nhân công hoàn thiện nhiều hơn hẳn.

Báo cáo của CLW còn cáo buộc nhiều vấn đề khác trong nhà máy của Foxconn như: không chấp thuận nghỉ việc trong thời vụ sản xuất cao điểm; sử dụng sinh viên làm thêm mùa cao điểm dù quy định về thực tập sinh sinh viên cấm điều này; mỗi công nhân tăng ca ít nhất 100 giờ/ tháng trong mùa cao điểm, trong khi Luật lao động Trung Quốc giới hạn số giờ làm thêm tối đa là 36 giờ; công nhân đôi khi phải tham gia các cuộc họp đêm mà không được tính tiền tăng ca, nhà máy không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên, các thương tích, tai nạn lao động không được nhà máy báo cáo trung thực…

Apple sau đó phủ nhận tuyên bố này, cho biết đa số các cáo buộc đều sai. Họ xác nhận tất cả các công nhân đều được hưởng chế độ thích hợp bao gồm lương và thưởng làm thêm giờ, tất cả các công việc tăng ca là hoàn toàn tự nguyện và không có dấu hiệu của cưỡng bức lao động. Apple cũng cho biết thêm, chưa tới 1% công nhân là sinh viên, chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ trong cơ cấu công nhân và đây là hành vi tự nguyện. Mọi vấn đề lao động hầu như đã được khắc phục, Apple và Foxconn tuyên bố.

Foxconn hiện là một trong những đối tác lớn nhất của Apple, chuyên lắp ráp iPhone ở công đoạn cuối cùng. Foxconn sử dụng hàng triệu lao động trong đó có tỷ lệ lớn các lao động nước ngoài, nhân công tạm thời… Những nhân công tạm thời sẽ không nhận được các lợi ích mà nhân công chính quy nhận được như nghỉ phép, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu. Thông thường, Foxconn không trực tiếp tuyển dụng nhân công tạm thời mà tuyển dụng thông qua bên thứ ba khác. 

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục