TS. Vũ Tiến Lộc: Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý trong cơ cấu doanh nghiệp

21/05/2020 16:14 GMT+7
Dẫn khảo sát các nền kinh tế trên thế giới, Chủ tịch VCCI cho rằng, nghịch lý về cơ cấu doanh nghiệp đang diễn ra tại Việt Nam là do thiếu hụt một lượng lớn hộ kinh doanh chưa có địa vị pháp lý.

TS. Vũ Tiến Lộc: Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý trong cơ cấu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bày tỏ tán thành với phương án của Chính phủ về việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo của Luật Doanh nghiệp lần này, đại biểu tỉnh Thái Bình, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, tại các nước trên thế giới, khi các cá nhân tiến hành kinh doanh, như mở một cửa hàng tạp hóa, một cửa hàng ăn nhỏ… thì hầu hết người ta đều chọn hình thức doanh nghiệp một chủ.

Doanh nghiệp một chủ hiện nay đang chiếm tới 60% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu, ngay cả Mỹ thì doanh nghiệp một chủ cũng chiếm tới 73% tổng số doanh nghiệp có đăng ký.

Theo ông Lộc, ở Việt Nam thì doanh nghiệp một chủ, tức là doanh nghiệp tư nhân của nước ta hiện nay chỉ chiếm 7%-8%. Đây là một nghịch lý mà nghịch lý này chỉ có thể được giải thích rằng chúng ta đã không coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp.

“Nếu chúng ta cộng cả 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký vào đây thì tổng số lượng doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam do các cá nhân đăng ký thì đã chiếm 77%, 78%. Và tỷ lệ này hoàn toàn tương đồng với tỷ lệ doanh nghiệp một chủ của các nền kinh tế trên thế giới và đây chính là thực tế”, ông Lộc phát biểu trước Quốc hội.

Giải thích kỹ hơn, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, thông lệ pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều quy định rằng kinh doanh là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Chủ thể hoạt động kinh doanh được coi là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có 2 loại, một là cá nhân, hai là pháp nhân. Pháp nhân là công ty và cá nhân là công ty một chủ.

Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng quy định như vậy. Luật Doanh nghiệp không phải là Luật Công ty, có quy định về công ty nhưng có quy định về cá nhân kinh doanh, đó là doanh nghiệp một chủ. Doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp tư nhân của chúng ta không có tư cách pháp nhân và các cá nhân kinh doanh đăng ký với tư cách cá nhân của mình, chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của mình, với hoạt động của doanh nghiệp.

“Bản chất pháp lý của hộ kinh doanh là doanh nghiệp, cho nên tôi đề nghị phương án đột phá là Luật Doanh nghiệp quy định luôn hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế Việt Nam. Và như trên tôi nói là doanh nghiệp một chủ đăng ký bởi cá nhân, nó không có tư cách pháp nhân, giống như doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi là hộ kinh doanh và chủ hộ kinh doanh thì không phải sau một đêm bừng tỉnh thì trở thành giám đốc và hộ kinh doanh vẫn được áp dụng các quy định đặc thù”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng đưa thêm phương án, đó là nếu thận trọng hơn thì quy định hộ kinh doanh như một chương của Luật Doanh nghiệp và để có một bước đệm tiến tới một bộ luật doanh nghiệp, hướng tới chuẩn mực chung của thế giới.

Trước ý kiến đa chiều của các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bảo lưu quan điểm nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, mọi ý kiến đều khẳng định sự cần thiết là phải luật hóa tất cả các quy định về hộ kinh doanh. Chỉ có một vấn đề khác nhau là có đưa ngay vào Luật Doanh nghiệp này hay là chờ làm một luật cho hộ kinh doanh riêng. Chỉ đúng 1 điểm đấy thôi, còn sự cần thiết thì tất cả đều rõ.

Để bảo vệ cho quan điểm của Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, thứ nhất khẳng định định danh cho loại hình hộ kinh doanh hiện nay chưa có nằm ở đâu cả; thứ hai là bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho hộ kinh doanh; thứ ba là sẽ bãi bỏ được một số các rào cản vướng mắc đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh; thứ tư là không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và không có tác động tiêu cực gì đến các hộ kinh doanh hiện nay mà chúng ta phân vân; thứ năm là tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn, mặc dù theo quy định chỉ khống chế là được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỷ nhưng lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã, khoán thuế, chứ không phải là hoạt động lành mạnh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp để có thể quản lý, có thể giúp đỡ,…

“Vậy nên nếu quy định hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng sẽ thúc đẩy được rất nhiều các doanh nghiệp đủ điều kiện để chuyển sang doanh nghiệp ngay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một vấn đề nữa theo Vị đại diện Ban Soạn thảo là nếu xây dựng một Luật Hộ kinh doanh mới, sẽ mất rất nhiều thời gian, ít nhất cũng phải 3 năm nữa. Do vậy, những gì mà có lợi có thể làm ngay, bởi vì việc này chỉ có lợi cho hộ kinh doanh chứ không có hại gì cả.

“Sau này chúng ta hoàn toàn thống nhất với các đại biểu nêu là phải có một luật riêng là đúng rồi. Nhưng khi nào chúng ta làm được luật riêng thì chúng ta chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong, nó vẫn nối tiếp, kế thừa, nhưng trước mắt chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất, hỗ trợ cho người ta được nhiều nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Theo Anh Phong/Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục