TT-Huế: Gần 5.000 nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp để cùng nhau làm giàu

09/01/2023 06:29 GMT+7
41 chi hội nông dân nghề nghiệp với 2.379 thành viên và 202 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2.252 thành viên đã được Hội Nông dân các cấp ở tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ thành lập.

Theo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong gần 3 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương; đưa nội dung thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp là 1 tiêu chí trong các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp ở tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ thành lập được 41 chi hội nông dân nghề nghiệp với 2.379 thành viên và 202 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2.252 thành viên.

TT-Huế: Gần 5.000 nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp để cùng nhau làm giàu - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang thăm Tổ hợp tác dệt dèng (vải thổ cẩm) tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Ảnh: Văn Lâm.

Các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp này hoạt động theo nguyên tắc "5 tự", "5 cùng" là "tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm" và "cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi".

Ông Trần Văn Lập- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội Nông dân ở tỉnh đã đạt được những kết quả rõ rệt. Số chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập mới ngày càng tăng lên, phân bố đều ở 9 đơn vị Hội Nông dân cấp huyện với đa dạng các ngành nghề hoạt động. 

Theo ông Trần Văn Lập, từ quá trình xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của hội viên, nông dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tạo động lực bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương.


Phong Cầm
Cùng chuyên mục