TT-Huế: Tham nhũng ngày càng tinh vi, công tác phát hiện và xử lý qua thanh tra hiệu quả chưa cao

12/12/2023 18:18 GMT+7
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra và giám sát ở tỉnh hiệu quả chưa cao, trong khi hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản báo cáo HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về kết quả hoạt động phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 256 công chức, viên chức có chức vụ, quyền hạn để phòng ngừa tham nhũng.

TT-Huế: Tham nhũng ngày càng tinh vi, công tác phát hiện và xử lý qua thanh tra hiệu quả chưa cao - Ảnh 1.

Cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam ông Đào Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Thừa Thiên Huế và 2 Phó Giám đốc trung tâm này để điều tra về hành vi nhận hối lộ cùng với các sai phạm khác.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trong năm, có 6.369 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, trong đó Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận bản kê khai của 3.944 người công tác tại 989 cơ quan, đơn vị bàn giao. 100% bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được công khai theo quy định.

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 43 người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 tại các cơ quan, đơn vị và ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.

Đến thời điểm báo cáo, có 6 trường hợp đã được Thanh tra tỉnh ban hành kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Hiện Thanh tra tỉnh đang tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 20 trường hợp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngoài ra, có 2 trường hợp Thanh tra tỉnh không thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập do đã nghỉ hưu và do đang bị điều tra, truy tố, xét xử sau thời điểm bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023.

Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Huế đã kỷ luật 2 người. Đó là kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Sơ do vi phạm chiếm dụng vốn của dân trong việc đóng BHYT, không chi trả chế độ cho các chi hội nông dân; kỷ luật cảnh cáo bà Quách Thị Huệ - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Hương Sơ do vi phạm chiếm dụng vốn của dân trong việc đóng BHYT, không chấp hành chỉ đạo của Đảng ủy phường.

Năm 2023, tổng số vụ án tham nhũng thụ lý điều tra do Cơ quan CSĐT công an 2 cấp thực hiện là 9 vụ/21 bị can, trong đó có 1 vụ tham ô tài sản tại Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 do Cục C03 – Bộ Công an chuyển.

TT-Huế: Tham nhũng ngày càng tinh vi, công tác phát hiện và xử lý qua thanh tra hiệu quả chưa cao - Ảnh 2.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt tạm giam Lê Như Tiến- nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 878 về tội "Tham ô tài sản".

Cơ quan công an đã khởi tố mới 8 vụ/21 bị can, trong đó tham ô tài sản 3 vụ/11 bị can, nhận hối lộ 1 vụ/3 bị can, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản 2 vụ/2 bị can và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 2 vụ/5 bị can. Cơ quan công an kết luận điều tra 3 vụ/7 bị can và hiện đang điều tra 6 vụ/14 bị can.

Qua công tác điều tra, công an các cấp đã thu hồi tài sản tham nhũng với số tiền 29,5 tỷ đồng/41,5 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 71,1%.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thụ lý 8 vụ/26 bị can, trong đó cấp tỉnh 5 vụ/20 bị can, cấp huyện 3 vụ/6 bị can, đã giải quyết và truy tố chuyển tòa 8 vụ/26 bị can.

Trong năm, TAND tỉnh thụ lý mới 6 vụ/29 bị cáo, giải quyết 4 vụ/23 bị cáo. Hiện nay TAND tỉnh đang nghiên cứu hồ sơ 2 vụ/6 bị cáo để đưa ra xét xử trong thời gian tới. TAND TP.Huế đã thụ lý, xét xử 2 vụ/2 bị cáo về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 353 Bộ Luật hình sự.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xác minh, điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật đối với các vụ án tham nhũng. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, mặt trận, đoàn thể, báo chí và người dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng được tăng cường, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra và giám sát ở tỉnh hiệu quả chưa cao, trong khi hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp. 


Trần Hòe
Cùng chuyên mục