Tuyến tránh TP.Bảo Lộc trị giá 760 tỷ đồng đang được triển khai ra sao?

20/06/2023 11:33 GMT+7
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có ý kiến về các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang được đầu tư mở rộng nậng cấp.

Tuyến tránh TP.Bảo Lộc với tổng mức đầu tư khoảng 760 tỷ đồng

Theo Bộ GTVT, tuyến tránh TP.Bảo Lộc dài 15,5 km là hạng mục được bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo QL20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17 (gọi tắt là Dự án), được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 1009/TTg-KTN ngày 10/7/2015 theo đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Bộ GTVT phê duyệt bổ sung vào hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư khoảng 760 tỷ đồng. Nhà đầu tư triển khai xây dựng từ tháng 2/2017.

Dự án tuyến tránh TP.Bảo Lộc được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT, theo đó phương án tài chính tính giá trị trong dòng tiền được hoàn thuế 361,937 tỷ đồng.

Tuyến tránh TP.Bảo Lộc trị giá 760 tỷ đồng đang được triển khai ra sao? - Ảnh 1.

Biển cấm các phương tiện lưu thông được gắn tại điểm đầu vào tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc thuộc địa phận xã Lộc Châu. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản cam kết “trường hợp không đủ vốn đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm bố trí kinh phí phần vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng để thực hiện".

Trong quá trình thực hiện hạng mục bổ sung, do kinh phí giải phóng mặt bằng địa phương phê duyệt có điều chỉnh giá đền bù dẫn đến phát sinh tăng và thủ tục hoàn thuế VAT vướng mắc cơ sở pháp lý dẫn đến thiếu kinh phí để hoàn thành tuyến tránh TP.Bảo Lộc.

Trên cơ sở kết quả làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và để phù hợp với tình hình thực hiện dự án, Bộ GTVT đã xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng thi công tuyến tránh từ ngày 07/10/2020.

Chưa đảm bảo an toàn giao thông

Để đảm bảo an toàn, Dự án chỉ đưa vào khai thác, lưu thông chính tuyến trên QL20 đã được khôi phục, cải tạo theo hợp đồng. Tuyến tránh TP.Bảo Lộc không đưa vào khai thác, được lắp đặt các biển báo, rào chắn cấm các phương tiện lưu thông trong thời gian dừng để chờ xử lý nguồn vốn.

Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn tìm cách lưu thông vào tuyến đường cấm nên đã xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, Nhà đầu tư bổ sung thực hiện, lắp đặt thêm biện pháp bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông (hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, biển, barie cấm các phương tiện lưu thông, thường xuyên kiểm tra). Đến nay, vấn đề này cơ bản đã được khắc phục và xử lý.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND thành phố Bảo Lộc tăng cường quản lý hành lang an toàn đường, xử lý các vi phạm (nếu có) của các phương tiện cố tình lưu thông trên tuyến tránh thành phố Bảo Lộc.

Về giải pháp để hoàn thành tuyến tránh TP.Bảo Lộc đã được Bộ GTVT báo cáo, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì họp và kết luận chỉ đạo7, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn về thuế VAT ngày 19/5/20238, hiện Bộ GTVT đang giao các cơ quan, đơn vị cùng với Nhà đầu tư rà soát lại chi phí, phương án tài chính dự án, cân đối nguồn kinh phí để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Về phương án sử dụng nguồn vốn UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết cho dự án. Hiện nay, cơ chế sử dụng vốn ngân sách của địa phương để tham gia đầu tư các dự án quốc lộ, đường cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương đang được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm nhằm huy động tối đa nguồn lực, tăng cường tính chủ động của các địa phương có nhu cầu trong khi nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế.

Sau khi được chấp thuận áp dụng thí điểm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng để sử dụng nguồn vốn của tỉnh kết hợp nguồn vốn của dự án hoàn thiện tuyến tránh đưa vào khai thác.

Về xem xét phương án chuyển sang hình thức đầu tư công đối với khối lượng các hạng mục còn lại chưa thi công bằng kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua không có danh mục đầu tư hạng mục dự án này.

Trường hợp chuyển sang đầu tư công cần phải lập dự án mới, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định. Do vậy, Bộ GTVT tiếp tục bám sát hai giải pháp nêu trên để tổ chức thực hiện.

Thế Anh
Cùng chuyên mục