Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham vọng đưa ô tô VinFast "Mỹ tiến", chuyên gia nước ngoài nói gì?
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup hiện là vị tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản ròng ước tính lên tới 9,1 tỷ USD. Nhưng người ta nhớ nhiều về ông với những tham vọng táo bạo, những dự án tầm vóc hơn là một vị tỷ phú giàu có. Nắm trong tay hãng ô tô khởi nghiệp có tuổi đời chỉ 6 tháng mang tên VinFast, ông Vượng mới đây khiến nhiều người ngỡ ngàng khi chia sẻ tham vọng xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ vào năm 2021.
Không còn là ước mơ, ông Vượng đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ ấy khi đổ 2 tỷ USD trong tổng tài sản của mình vào dự án tham vọng này. Số tiền 2 tỷ USD chiếm khoảng một nửa tổng số vốn đầu tư vào VinFast, với mục tiêu sản xuất chiếc ô tô điện đầu tiên trong năm 2020. Năm 2019, VinFast đã sản xuất và giao tới tay người tiêu dùng Việt Nam hàng trăm ngàn chiếc ô tô mang thương hiệu nội địa này.
“Mục tiêu cuối cùng của VinFast là tạo nên một thương hiệu ô tô tầm vóc quốc tế” - Vị tỷ phú 51 tuổi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở Vingroup, Hà Nội. “Đây sẽ là một hành trình dài đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhưng chúng tôi chỉ có 1 con đường để đi, đó là tiến lên phía trước”.
Thực tế, VinFast đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, ô tô VinFast chật vật giành thị phần từ tay những gã khổng lồ nước ngoài như Toyota, Ford hay Hyundai. Còn tại thị trường khu vực, phân khúc xe gia đình của VinFast cũng cạnh tranh gay gắt với hàng loạt nhà sản xuất ô tô nội địa như Tata Motors của Ấn Độ và Proton Holdings của Malaysia.
Khi đặt ra tham vọng bán ô tô trên đất Mỹ, VinFast tiếp tục đối mặt với một danh sách dài những nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang "xếp hàng chờ Mỹ tiến". Những doanh nghiệp tên tuổi như Tập đoàn sản xuất ô tô Quảng Châu, công ty ô tô Zotye...đã chuẩn bị cho kế hoạch Mỹ tiến từ hàng chục năm nay, họ thành lập những showroom bán hàng và các văn phòng nghiên cứu phát triển tại Mỹ. Một số thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng bắt đầu tham dự những triển lãm trưng bày ô tô tại Mỹ trong vài năm gần đây.
Bất chấp những khó khăn chồng chất, vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng không lùi bước. Năm ngoái, ông từng chấp nhận bán cổ phần Vingroup để đầu tư cho VinFast. Năm nay, ông Vượng dự định bán thêm 10% cổ phần để tiếp tục đổ tiền vào dự án khởi nghiệp sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam. Theo Bloomberg, ông Vượng sở hữu khoảng 26% cổ phần trong tập đoàn mẹ Vingroup. Tỷ phú Vượng hiện cũng sở hữu 49% cổ phần VinFast, trong khi công ty mẹ Vingroup nắm 51% cổ phần còn lại.
“VinFast sẽ không thu về được đồng lợi nhuận nào trong ít nhất 5 năm” - ông Vượng khẳng định. Nguyên nhân vị tỷ phú đưa ra là do thị trường trong nước quá hẹp và chỉ có xuất khẩu sang nước ngoài mới là chìa khóa mang về lợi nhuận cho hãng sản xuất ô tô non trẻ này. Nhưng để bước đầu đặt chân tới thị trường Mỹ, ô tô VinFast sẽ phải đối mặt với một bài toán khắc nghiệt hơn cả chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đó là những tiêu chuẩn khí thải môi trường và sự cố kỹ thuật vô cùng nghiêm ngặt.
Nhìn vào tấm gương các doanh nghiệp Trung Quốc đi trước thì “Mỹ tiến” là một giấc mơ cho đến giờ vẫn đầy xa vời. Những công ty ô tô khởi nghiệp của Trung Quốc dù được tài trợ hàng tỷ USD để dấn thân vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới nhưng hiếm doanh nghiệp nào thu về lợi nhuận. Một ví dụ tiêu biểu, công ty công nghệ năng lượng mới BAIC BluePark - nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc đã công bố dự báo lỗ trong năm 2019 do gánh nặng lỗ từ thị trường Mỹ.
Tham vọng “vượt rào”
Những chiếc ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu VinFast dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2020, nhưng Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho hay ông có kế hoạch xuất khẩu chúng sang thị trường Mỹ, Châu Âu và Nga ngay trong năm 2021.
Nhận định về “giấc mơ điên rồ” này, ông Michael Dunne, giám đốc điều hành một công ty tư vấn ô tô hàng đầu chuyên về thị trường Châu Á cho hay: “Ô tô VinFast sẽ phải vượt qua nhiều rào cản lớn nếu muốn vươn ra ngoài thị trường Việt Nam. Sẽ mất một thời gian dài để VinFast sẵn sàng cạnh tranh gia nhập thị trường Mỹ - vốn nổi tiếng là thị trường ô tô khắc nghiệt nhất thế giới. Ít nhất, họ cần có một thương hiệu bền vững”.
Dưới sự điều hành của công ty mẹ Vingroup, VinFast đang vận hành một nhà máy sản xuất ô tô rộng 335 ha đặt tại Hải Phòng. Sau 6 tháng ra mắt, VinFast hiện cung cấp 3 dòng xe là Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil với mức giá dao động từ 17.000 USD (khoảng gần 400 triệu VNĐ) đến 60.400 USD (khoảng 1,4 tỷ VNĐ). Nhà khởi nghiệp ô tô đặt mục tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm trong năm 2025.
“Trong vài năm tới đây, Vingroup sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ USD mỗi năm để bù đắp khoản thua lỗ ước tính lên tới 18.000 tỷ VNĐ (khoảng 777 triệu USD) của VinFast". Chủ tịch Vượng cho hay những khoản lỗ đến từ các hoạt động tài chính và khấu hao, trong đó khoảng 7.000 tỷ được chi để bù lỗ do giá bán xe thấp hơn giá thành sản xuất.
Cũng theo tiết lộ của ông Vượng, Vingroup sẵn sàng thoái vốn ở nhiều dự án khác để tài trợ cho VinFast, dù không đề cập chi tiết đến dự án cụ thể nào. Ngoài ra, VinFast dự kiến sẽ kêu gọi các khoản vay vốn bổ sung ngoài 1,95 tỷ USD đã huy động được. Trong tiến trình tiếp theo, Vingroup hiện có kế hoạch niêm yết VinFast trên một sàn giao dịch trong nước hoặc thậm chí là quốc tế.
“Chúng tôi tham vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam với tầm vóc quốc tế. Thách thức lớn nhất của VinFast hiện tại là các sản phẩm xuất xứ Việt Nam gần như không có thương hiệu nổi bật trên thị trường quốc tế. Đối với bạn bè nước ngoài, Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo và lạc hậu. Ô tô VinFast sẽ gánh trên vai sứ mệnh chứng minh với thị trường toàn cầu rằng những dòng xe đạt tiêu chuẩn thế giới này đại diện cho một đất nước Việt Nam năng động và phát triển” - vị tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á trăn trở.