Vẫn còn hơn 2.500 xe hàng "nằm chờ" xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn

15/04/2020 09:53 GMT+7
Tính đến sáng 14/4, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tồn khoảng 2.500 phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu chờ thông quan sang Trung Quốc.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng, chống dịch bệnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. 

Cụ thể, phía Trung Quốc thực hiện quản lý nghiêm cửa khẩu và các cặp chợ biên giới, ngoài cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu khác, gồm: Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam chỉ duy trì chức năng thông quan hàng hóa; tạm thời đóng các cửa khẩu, lối mở khác; thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. 

Lạng Sơn: Đề xuất 15 ngày tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh 1.

Còn khoảng 2.500 xe hàng chủ yếu là nông sản Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn.

Ngày 7/4, phía Trung Quốc tăng cường quản lý đối với xe hàng và lái xe qua biên giới. Theo đó, yêu cầu thực hiện đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu phụ Tân Thanh, yêu cầu lái xe đến từ các tỉnh chưa phát sinh ca bị lây nhiễm dịch bệnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19 và chỉ những người có tên trong danh sách đội lái xe mới được chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại hai bên. Đồng thời, tại các cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam phía Trung Quốc chỉ thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu 5 tiếng/ngày (sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 12 giờ đến 14 giờ) và nghỉ làm việc thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ theo quy định.

Việc kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc dẫn đến năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn giảm mạnh. Trung bình hằng ngày chỉ xuất khẩu được khoảng 300 - 350 xe, lượng phương tiện dồn tại các cửa khẩu rất lớn.

Lái xe Nguyễn Đức Hoàng (tỉnh Phú Yên) cho biết: Trung bình 1 ngày những xe đỗ trong bến bãi cũng phải mất hơn 1 triệu tiền chi phí gồm bến bãi, chi phí ăn uống, sinh hoạt của lái xe, tiền xăng dầu chạy máy lạnh bảo quản nông sản.... Việc hàng bị ùn ứ vừa ảnh hưởng đến chất lượng nông sản hay bị thương lái Trung Quốc ép giá, vừa tốn kém nhiều chi phí phát sinh. Anh em lái xe mong muốn cơ quan chức năng 2 bên thống nhất, tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản thuận lợi, nhanh chóng.

Vẫn còn hơn 2.500 xe hàng "nằm chờ" xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn - Ảnh 2.

Hàng dài xe chở nông sản chờ thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn.

Hiện nay, lượng hàng hóa xuất khẩu đưa lên Lạng Sơn vẫn rất lớn, tính đến sáng 14/4, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn tồn khoảng 2.500 phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu; trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tồn khoảng 800 xe, cửa khẩu phụ Tân Thanh tồn 1.050 xe (tại cửa khẩu Tân Thanh tồn 948 xe, tại phía bãi hàng hóa Pò Chài - Trung Quốc tồn hơn 100 xe hàng hóa đã xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, nhưng chưa giao được hàng), cửa khẩu phụ Cốc Nam tồn 150 xe, cửa khẩu chính Chi Ma tồn 476 xe.

Trước lượng xe hàng hóa xuất khẩu tồn lớn tại cửa khẩu Tân Thanh hiện nay, ngày 13/4, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tạm thời dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu trong thời gian 15 ngày, để tỉnh Lạng Sơn tập trung chỉ đạo giải quyết thông quan lượng hàng xuất khẩu đang tồn tại các cửa khẩu; thời gian thực hiện tạm dừng từ ngày 16/4. Mặt khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, đang tiềm ẩn nguy cơ phát sinh thành ổ dịch do tập trung lượng lớn lái xe tại các cửa khẩu trên địa bàn.

Lạng Sơn: Đề xuất 15 ngày tạm dừng tiếp nhận hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh 3.

Có những thời điểm lượng xe hành hóa ùn ứ kéo dài tại đường quốc lộ 1B.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng nhấn mạnh, trước tình hình trên, UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức trao đổi, hội đàm trên đường biên giới, gửi công hàm cho các cơ quan, lực lượng chức năng phía Trung Quốc.

Đồng thời, chủ động báo cáo, đề xuất một số giải pháp với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Trước mắt, từ ngày 16/4, không đưa hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu Tân Thanh; hoặc thực hiện chuyển sang cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị xuất khẩu theo loại hình chính ngạch có hợp đồng ngoại thương; hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa; không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các cặp chợ, không rõ đối tượng mua hàng, đối tượng nhận hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu.

P.V
Cùng chuyên mục