Vẫn còn tình trạng thiếu cát, thiếu đá làm đường cao tốc ở ĐBSCL
Hôm nay 6/3, tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc.

Tại buổi làm việc, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ĐBSCL có 5 dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng chiều dài hơn 207 km, vốn đầu tư trên 32.863 tỷ đồng.
Để xây dựng 5 dự án giao thông trọng điểm này cần 2,86 triệu m3 đá các loại và 21,33 triệu m3 cát.
Trong quá trình thi công, các công trình cao tốc tiếp tục gặp khó khăn do thiếu cát và thiếu đá san lấp. Điển hình như: công trình cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau còn thiếu cát (khoảng 3,7 triệu m3) để hoàn thành công tác đắp nền trong tháng 9/2025, thiếu đá (khoảng 1,55 triệu m3) trong tháng 6/2025.
Còn đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, công suất khai thác cát phục vụ công trình không đáp ứng yêu cầu và khoảng 320.000 m3 đá chưa xác định được nguồn cung.
Lãnh đạo các địa phương cũng đã báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tiến độ cung ứng vật liệu cát, đá cho các dự án cao tốc. Theo đó, phần lớn nêu lên điểm chung thiếu cát và thiếu đá là do vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, công suất khai thác của các mỏ hạn chế, một số mỏ giảm trữ lượng, đang tạm ngưng, nhà thầu chậm đăng ký...
Phát biểu trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các nhà thầu xây dựng và các ban quản lý phải tổng hợp chính xác nhu cầu vật liệu phục vụ thi công cao tốc, chịu trách nhiệm rà soát lại nguồn vật liệu của các mỏ khoáng sản ở các địa phương. Từ đó, có kiến nghị với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Đối với lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự thủ tục giao mỏ cát, mỏ đá cho nhà thầu khai thác, đặc biệt là 3 mỏ đá ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai. Tận dụng tối đa cơ chế đặc thù cho các dự án.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ các mỏ vật liệu theo từng tháng, từng quý để giải quyết tốt thủ tục khai thác khoáng sản. Đồng thời, làm tốt thủ tục quan trắc môi trường trong khai thác khoáng sản...
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cần làm việc với các đơn vị liên quan trong việc nạo vét luồng lạch nhằm tận dụng nguồn vật liệu san lấp nhưng phải đảm bảo đúng các quy định, bảo vệ môi trường, tàu thuyền lưu thông an toàn.
Đối với các bộ, ngành có liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát nguồn vốn, kịp thời điều chuyển đến những dự án đường cao tốc đảm bảo tiến độ.
Riêng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị đánh giá lại độ lún, tính ổn định, an toàn quy chuẩn các công trình giao thông đã hoàn thành. Đồng thời triển khai ngay giải pháp về gia trọng nhằm đảm bảo độ lún.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, đoạn qua xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Dự án này dài 16 km qua địa bàn huyện Cao Lãnh, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khởi công vào tháng 6/2023, dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23 m, vận tốc khai thác 100 km/h.
Đến nay, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đã hoàn thành việc xây dựng đường công vụ; tuyến chính đã đắp cát hoàn trả 14,6/14,6 km, cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu 13,15/13,15 km. Kết cấu phần dưới của dầm sàn liên tục đã hoàn thành, đang thi công bê tông cốt thép phần trên.
Tất cả 19/19 cầu trên tuyến cơ bản hoàn thành, một vài cầu còn lao lắp dầm. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục của dự án hơn 1.440 tỷ đồng, đạt 56,6% giá trị hợp đồng xây dựng.