"Vàng đen" rớt giá, nông dân Gia Lai xoay sang nuôi dê Bo, lãi hàng trăm triệu mỗi năm

05/03/2021 16:49 GMT+7
Để gỡ rối trước những khó khăn về đầu ra và đầu vào khi nuôi dê Bo, những nông dân chân tại xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai đã mạnh dạn kết hợp với chính quyền cùng nhau trao đổi về mọi mặt. Chính hướng đi này, đã giúp họ lãi hàng trăm triệu đồng/năm mà không hề bị ép giá.

Nếu như trước đây ở Gia Lai hồ tiêu được xem là "vàng đen" với giá 250.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 60.000 đồng/kg. Chính sự sụt giảm giá cả này cùng với dịch bệnh khiến những ha tiêu dần xóa sổ. Thay vào đó là những ha cây ăn quả hay những trang trại chăn nuôi được xây dựng. 

Huyện Mang Yang (Gia Lai) có thể nói là một trong những thủ phủ của hồ tiêu. Nhưng những năm gần đây, hồ tiêu rớt giá, dịch bệnh hoành hành khiến người dân không mặn mà với loại cây này. Nhiều nông dân có hướng chuyển sang xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm vì nuôi dê Bo, nông dân bật mí kinh nghiệm - Ảnh 1.

Hàng chục hộ dân ở xã Đăk Jrăng có thu nhập ổn định nhờ nuôi dê Bo

Điều đặc biệt của nông dân tại xã Đăk Jrăng, chính là mạnh dạn phối hợp cùng chính quyền gỡ rối những khó khăn về đầu ra và đầu vào trước khi tiến hành nuôi dê Bo. Theo đó, với mục đích giúp bà con giao lưu, học hỏi về kỹ thuật và liên kết với nhau về đầu ra, Hội nông dân xã Đăk Jrăng đã cùng nông dân thành lập mô hình nông hội chăn nuôi. Với cách làm này, nông dân rất tự tin khi bắt tay vào việc phát triển đàn dê của mình, mang lại thu nhập ổn định.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm vì nuôi dê Bo, nông dân bật mí kinh nghiệm - Ảnh 2.

Sở dĩ người dân chọn nuôi dê Bo bởi loài dê này lớn rất nhanh, ít bệnh tật

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyệt Văn Đạt (trú tại xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang) phấn khởi nói: "Trước đây, nguồn thu của gia đình chủ yếu là tiêu và cà phê, nhưng từ khi tiêu chết, cà phê thì giá thấp nên gia đình chuyển sang nuôi dê Bo. Để có đầu ra ổn định không bị ép giá trên thị trường, tôi đã mạnh dạn viết đơn xin được làm thành viên của nông hội chăn nuôi của hội nông dân. Khi trở thành thành viên của nông hội, chúng tôi được cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và quan trọng hơn các thành viên được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi dê Bo. Sau một năm thành lập, đến nay nông hội chăn nuôi đã tìm được đầu ra, đầu vào ổn định cho bà con".

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm vì nuôi dê Bo, nông dân bật mí kinh nghiệm - Ảnh 3.

Chỉ sau 1 năm chăm sóc, hiện nhiều gia đình lãi 100 triệu đồng trở lên nhờ nuôi dê Bo

Gia đình ông Nguyệt Văn Đạt là một trong những thành viên của nông hội vực dậy kinh tế nhanh chóng nhờ đàn dê Bo. Cụ thể, chỉ sau gần 11 tháng chăm bẵm đàn dê 85 triệu đồng, đến nay đàn dê của anh đã có người trả hơn 200 triệu nhưng anh vẫn chưa đồng ý bán.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm vì nuôi dê Bo, nông dân bật mí kinh nghiệm - Ảnh 4.

Sau khi nông hội chăn nuôi được thành lập, người dân rất tự tin trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong chăn nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế

Tương tự gia đình anh Đạt, chỉ trong năm 2020 gia đình anh Trần Văn Dũng (39 tuổi, trú tại xã Đăk Jrăng) đã thu về 150 triệu nhờ nuôi dê Bo. "Gia đình tôi cũng mới nuôi loại dê này, tuy nhiên nhận thấy sức đề kháng loại dê này rất tốt. Bên cạnh giống tốt, chính nông hội chăn nuôi đã giúp những nông dân chân đất như chúng tôi có tiếng nói, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, con giống khi chúng tôi mua về rất khỏe mạnh, sức đề kháng cao. Ngoài ra, khi trở thành thành viên của nông hội thì chúng tôi đã không phải lo về đầu ra, đầu vào. Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm trang trại dê của mình", anh Dũng hào hứng nói.

Lãi hàng trăm triệu đồng/năm vì nuôi dê Bo, nông dân bật mí kinh nghiệm - Ảnh 5.

Chỉ sau 1 năm, số lượng dê Bo tại địa phương đã tăng lên hàng nghìn con

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Điệp – Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng cho biết: "Trước đây nguồn thu nhập chính của người dân tại địa phương chính là cà phê và tiêu. Nhưng những năm gần đây, hồ tiêu và cà phê liên túc rớt giá chính vì vậy cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thấy mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả khá phát triển. Chính vì vậy, song song với việc phát triển các loại cây ăn quả như chanh leo, bơ, sầu riêng hội nông dân xã đã thành lập một nông hội chăn nuôi giúp nông dân giao lưu học hỏi kinh nghiệm nuôi dê,bò…Chính hướng đi này đã giúp rất nhiều nông dân có thu nhập ổn định nhờ nuôi dê Bo. Hiện nông hội này đang liên kết với hội nông dân các xã, huyện, để mở rộng thị trường, tạo mối liên kết đầu tư nông hội, cung cấp giống sang tỉnh Kon Tum".

Thiên An
Cùng chuyên mục