VCCI nói gì về chính sách mua bán điện mặt trời mái nhà Bộ Công Thương đang xin ý kiến?

30/01/2024 16:01 GMT+7
VCCI đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng trong một tòa nhà mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương.

Dự thảo hiện quy định theo hướng chỉ điều chỉnh các trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà mà không được bán cho tổ chức, cá nhân khác, kể cả bán cho công ty điện lực. Một số doanh nghiệp có ý kiến về trường hợp mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một toà nhà thì có thuộc diện áp dụng không?

VCCI nói gì về chính sách mua bán điện mặt trời mái nhà Bộ Công Thương đang xin ý kiến?- Ảnh 1.

VCCI góp ý Bộ Công Thương nên cho phép mua bán điện chéo giữa các khách hàng với nhau trong cùng tòa nhà khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà (Ảnh: EVN).

Theo đó, trong cùng một toà nhà có nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng điện, một trong số đó đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà và muốn bán lại cho các tổ chức, cá nhân khác trong cùng tòa nhà đó. Tức là lượng điện năng từ hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ được truyền tải giữa các cá nhân, tổ chức trong toà nhà đó mà không được truyền tải qua đường dây của công ty điện lực.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một toà nhà như vậy sẽ có thêm nguồn lực để phát triển điện mặt trời mái nhà, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn (do hạn chế được lượng điện dư), nên cần được khuyến khích.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo đang quy định theo hướng điện mặt trời mái nhà liên kết với điện lưới quốc gia bị giới hạn công suất 2.600MW theo Quy hoạch điện VIII. VCCI cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp, vì giới hạn công suất này áp dụng cho cả trường hợp có và không phát lên lưới. Trong khi đó, giới hạn công suất tại Quy hoạch điện VIII áp dụng cho công suất nguồn của điện lưới quốc gia.

Trường hợp điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện nhưng không phát lên lưới không làm tăng công suất nguồn của điện lưới quốc gia, mà chỉ có ý nghĩa như việc giảm phụ tải. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, chỉ trường hợp điện mặt trời mái nhà có phát lên lưới mới bị giới hạn bởi tổng công suất 2.600MW được quy định tại Quy hoạch điện VIII. Trường hợp điện mặt trời mái nhà có liên kết với điện lưới quốc gia nhưng không phát lên lưới thì không bị giới hạn tổng công suất.

Ngoài ra, phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho hay, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Các thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường đối với điện mặt trời mái nhà vẫn chưa thực sự rõ ràng và được áp dụng khác nhau tại các địa phương.

Ví dụ, đối với thủ tục xây dựng, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nhưng có nơi coi đây là thiết bị lắp thêm, nên áp dụng các thủ tục khác nhau. Đối với thủ tục phòng cháy chữa cháy, có nơi không hỏi ý kiến Sở Công Thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy chủ động hỏi Sở Công Thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy lại yêu cầu doanh nghiệp phải đi hỏi Sở Công Thương.

Theo các doanh nghiệp, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát triển điện mặt trời mái nhà là cần có quy định rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất các thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân có thể áp dụng một cách thuận lợi.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm chính sách về việc rà soát các quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác có liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà và đề xuất việc sửa đổi luôn tại Nghị định này.

An Linh
Cùng chuyên mục