Vì đâu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cao?

19/02/2024 10:03 GMT+7
Năm 2024 là một năm nhiều khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam. Đó là điểm chung trong các dự báo được các tổ chức trong và ngoài nước đưa ra.

Kinh tế khởi đầu tốt đẹp

Trong không khí hồ hởi của năm mới 2024, bà Bùi Thúy Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Thiên Mã cho biết, nhờ những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để ổn định sản xuất, tránh thua lỗ và giữ chân người lao động từ cuối năm 2023, nhiều đơn hàng trong nước và xuất khẩu đã trở lại ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024. Hiện doanh nghiệp đang tập trung hoạt động hết công suất để thực hiện các đơn hàng này.

"Với sự khởi đầu tích cực, chúng tôi kỳ vọng tình hình đơn hàng có thể tiếp tục được cải thiện vào quý II. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 sẽ là một năm phục hồi và quay trở lại quỹ đạo phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp nói riêng", bà Lan kỳ vọng.

Vì đâu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cao?- Ảnh 1.

Năm 2024 là một năm nhiều khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam.

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy "sự khởi đầu tốt đẹp", chỉ báo rằng nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét. Trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng được thúc đẩy. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm. Trong tháng 1/2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đều tăng mạnh ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%. Đặc biệt, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ khách quốc tế với hơn 1,5 triệu lượt người, là tháng đón nhận lượng khách quốc tế cao nhất kể từ khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau đại dịch Covid-19.

Với những tín hiệu tích cực này, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng đã đưa ra rất nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Chẳng hạn như dự báo được đưa ra bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng GDP dao động từ 6,13% - 6,48%, nằm trong mục tiêu điều hành của Chính phủ và mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị (6-6,5%). Thậm chí, dự báo của Standard Chartered còn cho rằng, kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao. Trong khi đó, ngân hàng HSBC dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6% trong năm 2024. Con số tương tự cũng được ADB đưa ra.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực trong những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024 và niềm tin của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm nhiều khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam.

Vì đâu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cao?

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, dù các dự báo gần đây cho thấy, kinh tế thế giới phục hồi rất trắc trở, nhiều nền kinh tế đối tác của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước đôi chút như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), và Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng suy thoái của các nền kinh tế này rất thấp, trong khi áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt và nhiều khả năng là giữ nguyên, và dần dần sẽ giảm xuống. Điều này sẽ tạo ra nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn tương đối vẫn ổn định, hệ thống tài chính ngân hàng sau những chấn động từ cuối năm 2022 đến nay ít nhiều quay trở lại hoạt động bình thường trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Còn nhìn vào nền kinh tế thực, du lịch và thu hút FDI đang khởi sắc hơn và là tiền đề để đạt được mục tiêu cũng cao hơn năm ngoái. Đặc biệt, khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn từ những tháng cuối năm 2023, thì đây cũng động lực chính của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Tuy vậy, trong những khó khăn của nền kinh tế, thì sự chững lại về tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đang là lo ngại lớn nhất, bởi tốc độ tăng đầu tư tư nhân năm 2023 khoảng 2,7%, nếu tính cả lạm phát thì có lẽ còn giảm. Điều này cho thấy, tình hình còn khó khăn hơn cả thời Covid-19. Vì vậy, ngoài các chính sách hỗ trợ đã và đang làm như miễn giảm thuế, giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng… thì giải pháp quan trọng nhất là cải cách thể chế.

"Sửa đổi khung khổ pháp lý, tạo nền tảng tốt như hạ tầng và quy hoạch, rồi khung khổ pháp lý cho ngành kinh tế mới như số, xanh có cơ hội được phát triển. Đây là nhóm tạo nền tảng để nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn và cho những động lực mới tăng trưởng tốt.", ông Thành nhấn mạnh.

Vì đâu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cao?- Ảnh 2.

Thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức cao nhất cần tạo ra một môi trường tốt, thuận lợi.

Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu bổ sung, cần tập trung đến cải cách thể chế theo hướng tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp, từ đó không chỉ giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Về cách làm, ngoài các giải pháp đã, đang và sẽ làm theo yêu cầu đặt ra thì cần suy nghĩ đến các giải pháp cách làm khác, cách làm mới mang tính đột phá. Cụ thể, về yêu cầu xóa bỏ rào cản, cũng như cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thay vì rà soát toàn bộ có hệ thống để đưa ra sửa đổi bổ sung một số đạo luật thì có thể đặt ra một ưu tiên là rà soát ngay những quy định mang tính cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà có thể bãi bỏ được ngay, không phải chờ đến lúc sửa đổi bổ sung.

"Chúng ta thúc đẩy tăng trưởng ở mức cao nhất thì cần tạo ra một môi trường tốt, thuận lợi để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân nỗ lực hơn nữa đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong năm 2024", ông Hiếu nêu rõ.

Còn ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương dự báo, kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng tốt lên, không chỉ từ phía bên ngoài mà cả trong nội tại khi tiêu dùng tăng, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh. Dù vậy, đầu tư công vẫn "gánh" vai trò chủ đạo, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024.

Tuy vậy, ông Tú Anh nhấn mạnh, đầu tư công vẫn chỉ đóng vai trò dẫn dắt, để tạo được sức bật cho nền kinh tế phải thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư nhân vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, cũng trở thành một trong những biện pháp quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững trong cả giai đoạn 2025 – 2030.

H.Anh
Cùng chuyên mục