Vì đâu Mỹ khó kêu gọi các quốc gia "cấm cửa" Huawei?
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ liên tục gây sức ép cho các đồng minh loại bỏ Huawei khỏi những dự án xây dựng mạng di động thế hệ mới 5G. Nhưng ngay cả Anh, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ mới đây cũng tuyên bố cho phép Huawei đóng vai trò nhất định trong dự án phủ sóng mạng 5G, một quyết định gây thất vọng cho Nhà Trắng.
Trước đó, Mỹ thậm chí đã cử phái đoàn quan chức sang London thuyết phục Anh không sử dụng thiết bị 5G Huawei vì hàng loạt rủi ro bảo mật và gián điệp. Mỹ thậm chí còn đe dọa sẽ cắt mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo với Anh (vốn thuộc liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes do Mỹ dẫn đầu) nếu nước này cố tình “bắt tay” Huawei. Rõ ràng, mọi cảnh báo của Nhà Trắng dường như là vô hiệu.
Một bài phân tích trên tờ CNBC đã chỉ ra rằng vấn đề chính của phía Mỹ là không thể cung cấp một giải pháp khả quan nào thay thế cho Huawei trên thị trường 5G. Không một công ty Mỹ nào hiện nay đủ sức cạnh tranh với Huawei trên đường đua 5G. Các công ty như Qualcomm hay Intel đóng một phần quan trọng trong ngảnh sản xuất chip sử dụng trong công nghệ 5G, nhưng không có một doanh nghiệp viễn thông Mỹ nào cung cấp toàn bộ thiết bị mạng 5G như Huawei hiện tại.
Thực tế trên thị trường viễn thông hiện nay, Huawei chỉ có 2 đối thủ lớn xứng tầm là Ericsson và Nokia. So với hai đối thủ này, giá cả cạnh tranh là lợi thế lớn nhất giúp Huawei giành được hơn 50 hợp đồng phát triển 5G trên toàn thế giới. Chính các doanh nghiệp viễn thông Anh đã cảnh báo chính phủ rằng sẽ tốn thêm hàng tỷ EUR nếu chính phủ Anh kiên quyết loại Huawei khỏi dự án phủ sóng 5G nước này. Đó rõ ràng là một con số đáng để cân nhắc.
Nếu Mỹ muốn giành lợi thế trên đường đua 5G, giải pháp duy nhất lúc này mà Washington đang cân nhắc là kiểm soát cổ phần của Ericsson hoặc Nokia, đẩy mạnh đầu tư vào các đối thủ lớn của Huawei để lấy lại lợi thế giá thành từ tay gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Nhưng mọi nỗ lực như vậy có thể là quá muộn, bởi lợi thế giá của Huawei thực chất đến từ sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc bao lâu nay. Báo cáo tài chính của các ngân hàng Trung Quốc đã cho thấy những thỏa thuận hỗ trợ tài chính khổng lồ cho Huawei. Thêm vào đó, Huawei hiện đang chiếm ưu thế trong bằng sáng chế các thiết bị mạng 5G và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gần như đi đầu trong việc thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật viễn thông trong suốt một thập kỷ qua. Điều đó có nghĩa là dù Washington muốn hay không, vị thế của Huawei trên thị trường viễn thông toàn cầu nói chung và thị trường 5G nói riêng đã được định hình vững chắc từ lâu.
Một số nhà phân tích gợi ý chính phủ Mỹ có thể sáp nhập các công ty công nghệ hiện tại để tạo thành một đối thủ cạnh tranh lớn với Huawei, ví như tạo nên một liên minh giữa một số tập đoàn Mỹ như nhà sản xuất chip Qualcomm, tập đoàn công nghệ viễn thông Cisco… và một số nhà cung cấp nước ngoài như Samsung, Nokia hay Ericsson, sau đó dùng ngân sách nhà nước Mỹ hỗ trợ để tạo ra một sản phẩm 5G giá thành cạnh tranh, hoàn toàn có lợi trước Huawei.
“Đó có thể là một giải pháp tức thời để Mỹ chiếm lại vị thế trong kỷ nguyên 5G, nhưng về cơ bản, Mỹ cần xác định vai trò của nó ngay từ đầu trong bất kỳ ngành công nghệ nào tiếp theo” - chuyên gia phân tích Arjun Kharpal từ CNBC nhận định.