Vì đâu Tiến Phước Group của đại gia Nguyễn Thành Lập kinh doanh “lỗ chồng lỗ”?
3 năm thua lỗ liên tiếp của Tiến Phước Group
Tiền thân của Tiến Phước Group là Công ty Nông sản Tinh dầu Tiến Phước, được thành lập tháng 10/1992. Đến năm 2003, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tiến Phước. Tháng 4/2015, chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước.
Tiến Phước Group là một doanh nghiệp bất động sản kín tiếng tại thị trường phía nam với loạt dự án như Khách sạn Le Meridien tại 3C Tôn Đức Thắng (Quận 1), Khu dân cư Long Trường (Quận 9), Khu dân cư Senturia Vườn Lài 9,8ha (Quận 12), Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn 19,8ha (huyện Bình Chánh), Palm Heights 30ha (Quận 2), Senturia An Phú 18,2ha (Quận 2)…
Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ Tiến Phước Group khoảng 2.018 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thành Lập (SN 1950) nắm giữ 60% cổ phần, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh nắm giữ 10%, bà Nguyễn Thị Mỹ Phương sở hữu 3,87%, 26,13% còn lại do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước – một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Thành lập nắm giữ.
Tiến Phước Group mang đậm nét của một công ty gia đình, khi các thành viên trong gia đình ông Lập đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại công ty.
Theo đó, ông Nguyễn Thành Lập đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Tiến Phước Group. 4 người con gái của ông Lập bao gồm: Nguyễn Thị Mỹ Phương (SN 1979), Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1974), Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1975), Nguyễn Thị Mỹ Anh (SN 1988) đều là thành viên HĐQT.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương đồng thời giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Tiến Phước Group.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Tiến Phước Group 3 năm gần đây ghi nhận kết quả kém khả quan, khi doanh thu "đi lùi", còn lợi nhuận liên tiếp thua lỗ với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu Tiến Phước Group bất ngờ giảm sâu từ 576 tỷ đồng năm 2018 xuống còn 156 tỷ đồng năm 2019, tương ứng mức sụt giảm đến 73%. Những năm tiếp theo, năm 2020, 2021 doanh thu Tiến Phước Group không được cải thiện, lần lượt giảm về 144 tỷ đồng và 138 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm, Tiến Phước Group báo lỗ sau thuế hơn 126 tỷ đồng trong năm 2019, lỗ tiếp 87 tỷ đồng năm 2020, lỗ thêm 227 tỷ đồng năm 2021. Việc lỗ chồng lỗ khiến Tiến Phước Group đánh bay khoản lãi đã tích lũy trước đó, lỗ lũy kế hơn 92 tỷ đồng tính đến thời điểm cuối năm ngoái.
Chưa kể, thua lỗ liên tiếp cũng đã ăn mòn vốn chủ sở hữu Tiến Phước Group, chỉ số này còn 1.925 tỷ đồng vào cuối năm 2021, trong khi vốn góp chủ sở hữu đạt 2.018 tỷ đồng.
Nợ phình to, Tiến Phước Group vẫn dành 127 tỷ đồng cho bên liên quan vay
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Tiến Phước Group tăng 666 tỷ đồng sau 12 tháng, đạt khoảng 7.308 tỷ đồng. Đáng nói, dù tổng tài sản tăng, song chất lượng tài sản lại có dấu hiệu xấu đi.
Đơn cử, hàng tồn kho Tiến Phước Group "phình to" từ 2.558 tỷ đồng đầu năm lên 3.128 tỷ đồng vào cuối năm. Chiếm chủ yếu là tại Dự án Nam Sài Gòn với 3.012 tỷ đồng, dự án Đồng Xoài 47 tỷ đồng; Dự án Long Trường 115 tỷ đồng, tuy nhiên tại dự án này, doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng lên đến 54 tỷ đồng, tương ứng gần 50% vốn đầu tư.
Trong khi đó, tiến độ tại 2 dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa có tiến triển trong năm 2021. Khi khoản mục Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tại 2 dự án này vẫn chỉ nằm ở mức xấp xỉ 88 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020.
Được biết, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiến Phước hiện nay đang triển khai 2 dự án bao gồm Khu đô thị mới Cỏ May (quy mô 149ha, vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng) và Điện mặt trời Châu Pha (diện tích đất 51ha, vốn đầu tư gần 1.178 tỷ đồng).
Ở bên kia nguồn vốn, nợ phải trả của Tiến Phước Group còn 5.382 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng sau 12 tháng, chiếm 74% tổng tài sản.
Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn còn 839 tỷ đồng, bao gồm 450 tỷ đồng trái phiếu. Nợ vay tài chính dài hạn còn 366 tỷ đồng. Đáng chú ý, với tổng hơn 1.200 tỷ đồng nợ vay, Tiến Phước Group vẫn nói không với ngân hàng, mà thay vào đó là nguồn tín dụng từ Trái phiếu và vay các bên liên quan.
Ngoài ra, phải trả ngắn hạn khác của Tiến Phước Group tăng 240% so với hồi đầu năm, đạt 1.504 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là nhận tiền cọc từ bên liên quan với 939 tỷ đồng. Phải trả dài hạn khác tăng 19%, đạt 2.173 tỷ đồng, đây là các khoản nhận tiền góp vốn các dự án từ bên liên quan.
Dù doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ phải trả phình to, song vẫn dành 127 tỷ đồng cho các bên liên quan vay. Đây là 2 khoản cho vay tín chấp bao gồm khoản 1 có giá trị 113 tỷ đồng với lãi suất 9,5%/năm và có thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng vay. Khoản vay tín chấp thứ 2 trị giá 14 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm, thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng vay.