Vì sao dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang chưa tìm được nhà đầu tư?

Thế Anh
02/05/2025 17:57 GMT +7
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - đơn vị mời thầu đã tiến hành thủ tục hủy thầu để triển khai các bước tiếp theo đầu tư dự án trạm dừng nghỉ tại Km 45+000, thuộc dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ Xây dựng phương án phân kỳ đầu tư dự án trạm dừng nghỉ tại Km 45+000, thuộc dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, trạm dừng nghỉ này được quy hoạch với quy mô 5ha cho mỗi bên tuyến cao tốc.

Dự án này đã được Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 10/2024 đến tháng 1/2025. Tuy nhiên, dù đã hai lần gia hạn thời gian (tổng cộng 45 ngày), không có nhà đầu tư nào tham dự.

Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. (Ảnh: TTX)

Thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - đơn vị mời thầu đã tiến hành thủ tục hủy thầu để triển khai các bước tiếp theo.

Nguyên nhân khiến dự án không thu hút được nhà đầu tư là do tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng - cao hơn khoảng 60% so với các trạm dừng nghỉ tương đương trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, xuất phát từ chi phí vật liệu, nhân công, xử lý nền đất yếu và bồi thường, hỗ trợ tái định cư đều cao hơn mặt bằng chung.

Trên cơ sở đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam đã thẩm định và phê duyệt thông tin dự án điều chỉnh để tổ chức mời thầu theo phương án phân kỳ đầu tư.

Theo phương án mới, trạm dừng nghỉ sẽ được chia làm hai giai đoạn đầu tư. Quy mô tổng thể vẫn giữ nguyên 5ha mỗi bên.

Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 3ha mỗi bên, bao gồm cả các công trình dịch vụ công. Giai đoạn này sẽ được triển khai ngay trong năm 2025 để kịp đưa vào khai thác đồng bộ với tuyến cao tốc.

Giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ chủ động đề xuất phương án hoàn thiện 2ha còn lại mỗi bên, căn cứ theo lưu lượng xe, doanh thu và hiệu quả khai thác sau khi trạm dừng nghỉ giai đoạn 1 đi vào hoạt động.

Toàn bộ dự án được đầu tư bằng 100% vốn của nhà đầu tư, với thời gian khai thác là 25 năm cho cả hai giai đoạn. Nguồn vốn có thể gồm vốn chủ sở hữu và các nguồn huy động hợp pháp khác, theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam,các quy định hiện hành cho phép phân kỳ đầu tư trong triển khai dự án. Trong bối cảnh nhu cầu giao thông chưa quá cao, nguồn lực tài chính hạn chế, phương án này là phù hợp để thu hút nhà đầu tư, đồng thời vẫn đáp ứng tiến độ.

Để bảo đảm tiến độ thực hiện, đặc biệt là hoàn thành các công trình dịch vụ công trước ngày 30/12/2025 theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư, từ quy mô 5ha mỗi bên thành hai giai đoạn như đã đề xuất.