Doanh thu Kido của ông Trần Kim Thành tăng 11%
Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) của ông Trần Kim Thành vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Trong quý vừa qua, cả doanh thu và lợi nhuận của Kido đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019.
Lợi nhuận tăng trưởng tới 95%
Cụ thể, doanh thu thuần tăng 11% so với quý I/2019, lên 1.726 tỷ đồng. Doanh thu tăng chủ yếu là do doanh thu thành phẩm đã bán tăng gần 47% đạt hơn 1.578 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán tăng tương ứng và chiếm 80% doanh thu thuần. Kết quả, Kido lãi gộp quý I/2020 345 tỷ đồng, cao hơn so với mức 317 tỷ đạt được vào cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 20,45% về 20,01% và biên lợi nhuận ròng duy trì đều 2,77%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Công ty giảm 65%, ghi nhận ở mức hơn 15 tỷ đồng, do lãi tiền gửi giảm từ 42 tỷ đồng về còn gần 13 tỷ đồng. Lãi từ các công ty liên doanh, liên kết giảm 27%, đạt 54 tỷ đồng.
Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp và chị phí bán hàng đều được Kido của ông Trần Kim Thành tiết giảm tương ứng 8,6% và hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của Kido trong quý này cũng vì thế mà tăng trưởng thêm 11,5% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 95%, lên 11 tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo thường niên của Kido, Chủ tịch Trần Kim Thành cho biết dưới những tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả biến động, công ty đã tạm hoãn kế hoạch mở rộng quy mô ngành hàng lạnh trong năm 2020 và chấp nhận một khoản chi phí duy trì để dự phòng cho kế hoạch phát triển trong tương lai. Công ty cũng lên kế hoạch thăm dò thị trường và tiến hành thâm nhập thị trường tại các khu vực thông qua các sản phẩm nhập khẩu. Mục tiêu là mở rộng ra các nước Đông Nam Á và châu Á.
Lưu chuyển tiền thuần chuyển từ dương sang âm, tích cực vay nợ
Mặc dù kết quả kinh doanh có dấu hiện cải thiện nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Kido trong quý I/2020 lại âm nặng hơn. Nếu như cùng kỳ năm ngoái dòng tiền kinh doanh chỉ âm 245,7 tỷ đồng thì nay âm 265,5 tỷ đồng.
Đồng thời, do hoạt động đầu tư mở rộng nên dòng tiền thuần từ hoạt động này cũng âm tới 47,8 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái dương 4,4 tỷ.
Nhìn chung, việc dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi âm, cộng thêm khoản âm từ dòng tiền lưu chuyển trong hoạt động đầu tư đã khiến tiền và các khoản tương đương tiền tại doanh nghiệp giảm từ 524,6 tỷ đồng về mức 352,7 tỷ đồng đồng tính tới 31/3/2020. Đồng thời, nợ vay ngắn hạn tăng từ mức 1.689 tỷ lên 1.831 tỷ đồng và vay dài hạn tăng nhẹ hơn với 600 triệu đồng để để bù đắp dòng tiền cho hoạt động sản xuất và mở rộng.
Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Kido cũng chuyển từ trạng thái dương 61 tỷ sang âm gần 172 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2020, tổng tài sản của Kido giảm từ mức 11.932 tỷ về còn 11.699 tỷ đồng, chủ yếu là do sự sụt giảm của tài sản ngắn hạn.
Nợ phải trả của Kido tính đến cuối tháng 3 giảm 6% so với đầu năm, chiếm gần 3.496 tỷ đồng chủ yếu là do khoản phải trả cho người bán giảm. Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quý I/2020 của Kido đạt 110 tỷ đồng.
Gần đây, cổ phiếu KDC của Kido có sự hồi phục từ 14.500 đồng/cp lên vùng 17.500 đồng/cp, tức tăng 20,7% kể từ đầu tháng 4/2020 với kỳ vọng hàng kinh doanh thiết yếu sẽ lên ngôi sau khi Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội, người dân buộc phải ăn ở nhà thay vì trước đây. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, thị giá của KDC đã "bốc hơi" 15,5%.