Việt Nam lọt top 3 nền kinh tế Đông Nam Á có tốc độ phát triển ví điện tử nhanh nhất

16/09/2021 21:21 GMT+7
Báo cáo mới nhất của Facebook và Bain & Company ước tính rằng kể từ đầu đại dịch đến nay, 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á bao gồm Việt Nam đã có thêm 70 triệu dân tham gia vào thị trường mua sắm trực tuyến.

Khi các chính phủ khuyến khích người dân hạn chế di chuyển trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan đại dịch, các quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến làn sóng áp dụng dịch vụ kỹ thuật số vào hoạt động thường ngày tăng nhanh, đặc biệt là các dịch vụ thương mại điện tử, giao đặt đồ ăn hay thanh toán trực tuyến.

Facebook và Bain & Company đã thực hiện khảo sát trên hơn khảo sát hơn 16.000 người tại 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả dự báo rằng lượng người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số trong khu vực có thể đạt mức 350 triệu người vào cuối năm nay và tăng lên 380 triệu người vào năm 2026. Trong đó, 70% dân số có độ tuổi từ 15 trở lên ở các quốc gia này sẽ tham gia mua sắm trực tuyến trong năm nay.

Trong số các quốc gia được khảo sát, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia tiếp tục được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tỷ lệ người tiêu dùng kỹ thuật số. Lượng người tiêu dùng kỹ thuật số của Indonesia được dự báo sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay, từ mức 144 triệu người năm 2020 lên 165 triệu người năm 2021.

Việt Nam lọt top 3 nền kinh tế Đông Nam Á có tốc độ phát triển ví điện tử nhanh nhất - Ảnh 1.

Lượng người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số trong khu vực Đông Nam Á có thể đạt mức 350 triệu người vào cuối năm nay (Ảnh: AFP)

Cuộc khảo sát được thực hiện trong bối cảnh nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Delta gây ra. Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của chính phủ đã khiến người tiêu dùng bị hạn chế di chuyển, tạo điều kiện cho thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. 

Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 5 cho thấy tỷ lệ những người được hỏi cho biết họ mua sắm chủ yếu qua kênh trực tuyến bình quân tại 6 nền kinh tế Đông Nam Á đã tăng từ 33% trong năm 2020 lên 45% trong năm nay. Khảo sát dự báo mức chi tiêu bình quân cho mua sắm online sẽ tăng từ 238 USD/ người trong năm 2020 lên 381 USD/ người trong năm 2021. Cũng theo Facebook và Bain & Company, thị phần của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong tổng thể ngành bán lẻ ở Đông Nam Á đã tăng từ 5% vào năm 2020 lên 9% trong năm nay; tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả các thị trường mới nổi khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil.

Báo cáo cho biết: “Trong 5 năm tới, doanh số thương mại điện tử của Đông Nam Á cũng được dự đoán sẽ bắt kịp với các quốc gia mới nổi nói trên với mức tăng trưởng khoảng 14%/ năm”.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện qua kênh trực tuyến, các dịch vụ fintech như ví điện tử, tiền điện tử… cũng trở nên phổ biến hơn. Trong 3 tháng đầu năm 2021, theo báo cáo. , 88% vốn đầu tư tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực chảy vào lĩnh vực công nghệ và internet. Trong đó, 56% chảy vào lĩnh vực fintech. 

Khảo sát của Facebook và Bain & Company chỉ ra rằng ví điện tử là lựa chọn thanh toán ưa thích của 37% người được hỏi, chiếm ưu thế hơn 28% người ưa chuộng tiền mặt, 19% người ưa chuộng thẻ credit hoặc debit card và 15% khác ưa chuộng phương thức chuyển khoản.

Philippines, Malaysia và Việt Nam là 3 quốc gia chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong việc áp dụng ví kỹ thuật số trong thanh toán, với mức tăng trưởng lần lượt là 133%, 87% và 82%.

Nhà phân tích Dmitry Levit của Cento Ventures nhận định khi các nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á giảm bớt các quy định rào cản đầu tư, thị trường có thể chứng kiến dòng vốn khổng lồ đổ vào khu vực này. Rõ ràng, tốc độ số hóa mạnh mẽ của Đông Nam Á trong bối cảnh đại dịch đang tạo ra cơ hội to lớn để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực. 

Chuyên gia phân tích Justin Hall, đối tác tại Golden Gate Ventures thì nhận định Đông Nam Á sẽ là thị trường có tốc độ tăng trưởng đáng kể “trong ít nhất 10 năm tới khi các ngành dọc, ngành và sản phẩm tài chính - công nghệ mới xuất hiện”.


NTTD
Cùng chuyên mục