Việt Nam nhập khẩu hơn 140.000 tấn thịt heo

08/02/2021 11:30 GMT+7
Thịt heo nhập khẩu về Việt Nam năm 2020 tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị với 141,14 ngàn tấn, trị giá 334,44 triệu USD.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141,14 ngàn tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD.

Theo số liệu này, thịt heo nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020 tăng tới 382,1% về lượng và tăng 502,9% về trị giá so với năm 2019.

5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam trong năm 2020 là Brazil, Nga, Canada, Mỹ và Ba Lan.

Trong đó, Brazil chiếm thị phần lớn nhất với 24,52%, tiếp theo là Nga với 24,12% và Canada (14,89%), Mỹ (13,71%) và Ba Lan (6,39%).

2 thị trường tăng mạnh nhất về thị phần trong nhập khẩu thịt heo của Việt Nam năm 2020 là Nga và Mỹ.

Năm 2019, Nga không nằm trong danh sách 5 nước xuất khẩu thịt heo nhiều nhất sang Việt Nam nhưng đến năm 2020 đã vượt lên vị trí thứ hai với thị phần xấp xỉ Brazil.

Việt Nam nhập khẩu hơn 140.000 tấn thịt heo - Ảnh 1.

Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141,14 ngàn tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 334,44 triệu USD.

Còn thị phần thịt heo nhập khẩu từ Mỹ đã tăng từ 6,42% năm 2019 lên 13,71% năm 2020. Trong khi đó, thị phần của Brazil giảm mạnh từ 40,63% (2019) xuống còn 24,52% năm 2020.

Năm 2020, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo vào Việt Nam.

Cũng trong năm 2020, các doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu 43.322 con heo giống các loại, chủ yếu từ Thái Lan, Canada, Mỹ...

Do nhu cầu những ngày cận Tết Tân Sửu tăng cao nên giá heo hơi đầu tháng 2 tăng nhẹ.

Để đảm bảo bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt lợn tươi, ướp lạnh và đông lạnh.

Trong báo cáo tình hình cung ứng hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương đề xuất, kiến nghị Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Dung Nhi
Cùng chuyên mục