Vinaconex của ông Đào Ngọc Thanh “gỡ nút thắt” tại dự án tỷ USD Splendora như thế nào?
Ngày 13/8, Hội đồng quản trị Tổng Công ty CP Vinaconex (VCG) đã ban hành Quyết định số 413/2020/QĐ-HĐQT về việc tái cấu trúc phần vốn của Tổng công ty tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Theo đó, Vinaconex của ông Đào Ngọc Thanh sẽ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn điều lệ của Vinaconex tại An Khánh JVC và HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc đàm phán với nhà đầu tư.
"Gỡ nút thắt" tại dự án tỷ USD, Vinaconex quyết định thoái vốn
An Khánh JVC được thành lập từ năm 2006, là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) với diện tích hơn 264 ha tại Hoài Đức, Hà Nội.
Ban đầu dự án do liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C, mỗi bên nắm giữ 50%, có tổng mức đầu tư 2,57 tỷ USD và bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Tuy nhiên sau khi hoàn thành giai đoạn 1 năm 2013, mãi đến cuối năm 2017 dự án mới triển khai giai đoạn 2 do diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản. Đầu năm 2018, Công ty địa ốc Phú Long đã thay Posco E&C trở thành cổ đông nắm giữ 50% vốn của Liên doanh An Khánh với vốn điều lệ hơn 680,53 tỷ đồng.
Theo Vinaconex, với cơ cấu vốn hiện nay sẽ có bất lợi về thời gian trong việc triển khai các dự án do phải đạt được sự đồng thuận của cả 2 bên. Đó cũng chính là lý do gây ra sự đình trệ của dự án khu đô thị Bắc An Khánh.
Trong khi đó, khoản nợ vay tài chính lên đến 3.406 tỷ đồng làm phát sinh chi phí hàng năm rất lớn, tăng áp lực tài chính cũng như số lỗ lũy kế hàng năm. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu đầu tư bất động sản của Vinaconex trên thị trường, nhất là tại một dự án vốn được đánh giá tiềm năng như khu đô thị mới Bắc An Khánh.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, HĐQT Vinaconex đã trình cổ đông 2 phương án. Phương án 1 là Vinaconex chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Tổng công ty tại An Khánh JVC cho thành viên góp vốn còn lại hoặc các nhà đầu tư khác để thu hồi vốn.
Phương án hai là Vinaconex đàm phán mua lại toàn bộ phần vốn góp của đối tác còn lại để Vinaconex chủ động điều hành và triển khai dự án.
Hiện siêu dự án Splendora vẫn đang "đắp chiếu", tính đến nay mới thực hiện được 50,7ha trên tổng số hơn 264 ha. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Như vậy, quyết định kể trên của Vinaconex đã gỡ "nút thắt' tại dự án tỷ USD Splendora An Khánh và dự án này sẽ nhanh chóng được "hồi sinh"?
Nhóm Cường Vũ và Star Invest thoái vốn khỏi VCG, "ôm" về hơn 3.000 tỷ?
Sau khi Vinaconex phát đi thông báo về việc chuyển nhượng vốn góp tại An Khánh JVC, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu VCG của Vinaconex đã có biến động bất thường trong hai phiên giao dịch 13 và 14/8.
Theo đó, đã có hơn 127,46 triệu cổ phiếu (tương đương 28,85% vốn điều lệ) được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Vinaconex gồm 3 nhà đầu tư lớn sở hữu 86,56% vốn. Trong đó, Công ty TNHH An Quý Hưng nắm giữ 254,9 triệu cổ phiếu (57,71% vốn); Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ nắm 94 triệu cổ phiếu (21,28%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest sở hữu 3,.4 triệu cổ phiếu (7,57%). Các cổ đông còn lại chỉ sở hữu khoảng 59 triệu cổ phiếu.
Phải chăng "chủ nhân" của giao dịch khủng trong 2 phiên 13 - 14/08 vừa qua chính là nhóm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest? Bởi số lượng cổ phiếu này ngang ngửa với lượng cổ phiếu mà nhóm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest nắm giữ tại Vinaconex?