Vinalines chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần
Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ước tính gần 11,7 triệu tấn, đạt hơn 59% kế hoạch; Sản lượng hàng thông qua cảng biển ước khoảng gần 50 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, sản lượng container đạt 2,2 triệu Teus, tăng 7% so với cùng kỳ, tổng doanh thu đạt được là hơn 5.884 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 113 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là số liệu chưa bao gồm kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty CP Cảng Quy Nhơn.
Theo Vinalines, trong 6 tháng đầu năm, thị trường vận tải biển có nhiều biến động lớn về giá cước ở tất cả các cỡ tàu. Thị trường tàu dầu sản phẩm thường xuyên duy trì ở mức thấp, cước giảm khá sâu.
Thị trường tàu container sau khi tuột dốc vào cuối năm 2019 đã diễn biến tích cực trở lại nhưng chủ yếu mức cước tăng khá chủ yếu rơi vào phân khúc cỡ lớn trên 5.000 TEU. Thị trường tàu container nội địa có sự duy trì khá nhất nhưng lại không cân đối giữa hai chiều hàng.
Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2019 đạt 9,1 triệu TEUs, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Về vận tải biển, tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Theo thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam hiện là 15,6, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đặc biệt, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt từ 19 tàu trong (năm 2013) lên 39 tàu (năm 2019.
Thông tin hoạt động của vận tải biển của Vinalines, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho biết, hiện vẫn chưa cải thiện được hoạt động của khối vận tải biển. Hiện tại, mới cải thiện được Vinaship, số lỗ của các đơn vị có vốn góp chi phối của Tổng công ty đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, riêng mảng dịch vụ hàng hải thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thấp điểm của thị trường, sức ép cạnh tranh và một số chính sách giao thương hàng hóa với Trung Quốc thay đổi dẫn đến hoạt động tạm nhập, tái xuất giảm mạnh. Lợi nhuận toàn khối dịch vụ hàng hải chỉ đạt khoảng 21 tỷ đồng.
Chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa, ông Trung cho biết, phương án cổ phần hóa Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong 6 tháng đầu năm, Vinalines đã thực hiện các thủ tục chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông lần đầu để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Dự kiến, đại hội cổ đồng lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào ngày 30/7/2019.
Được dự báo, 6 tháng cuối năm vận tải hàng khô sẽ tiếp tục khó khăn khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... Thị trường vận tải nội địa, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sản lượng tuyến vận tải chiều Nam - Bắc dự báo sẽ giảm nhẹ, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất đi Trung Quốc. Còn lại, tuyến Bắc - Nam và Nam - Trung, sản lượng vận chuyển sẽ ổn định hơn.