Viwasupco vừa lo vỡ đường ống, đường ống nước sông Đà vỡ ngay

11/05/2020 05:06 GMT+7
Viwasupco vừa bày tỏ lo ngại nguy cơ rò rỉ và vỡ đường thì đường ống nước Sông Đà lại vỡ ngay, ghi nhận lần vỡ đầu tiên trong năm 2020.

Đường ống nước sông Đà vỡ

Chiều 10/5, đường ống nước sạch Sông Đà tại Km 22 Đại lộ Thăng Long, đoạn qua xã Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội đã vỡ. Đường ống vỡ khiến Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cắt nước tại khu vực này.

Trong thông báo gửi khách hàng, Viwasupco không giải thích rõ nguyên nhân và chỉ viết "Thông báo hệ thống tuyến ống của công ty CP Nước sạch Viwasupco đang bị sự cố. Sự cố về tuyến ống tại Km22+650, thời gian cắt nước dự kiến từ 18h30 ngày 10/5/2020 đến 04h00 ngày 11/5/2020. Rất mong Quý công ty thông cảm, chia sẻ khó khăn này và chủ động kế hoạch sản xuất của Quý Công ty".

Điều đáng nói, đường ống nước Sông Đà vỡ khiến người dân bị cắt nước trong bối cảnh Hà Nội bắt đầu nắng nóng gay gắt. Việc cắt nước đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Viwasupco vừa lo vỡ đường ống, đường ống nước sông Đà vỡ ngay - Ảnh 1.

Đường ống nước Sông Đà trong một lần vỡ. (Ảnh minh họa)

Đây là lần đầu tiên trong năm 2020, đường ống Sông Đà bị vỡ. Trước đó, cảnh này đã xảy ra… thường xuyên. Trong năm 2019, đã có 4 lần đường ống nước sông Đà bị vỡ. Còn trong giai đoạn 2012-2016, số lần được thống kê lên tới 21 lần.

Viwasupco vừa… bày tỏ lo ngại

Đường sống Sông Đà lại vỡ có lẽ cùng đã nằm trong… kế hoạch của Viwasupco. Vì trong báo cáo thường niên mới được công bố hồi cuối tháng 4, Viwasupco đã bày tỏ lo ngại về rủi ro vỡ đường ống nước.

Viwasupco cho biết: "Viwasupco sử dụng vật liệu mới là ống Cốt sợi thủy tinh lại chạy dọc giữa giải phân cách của Đại lộ Thăng Long, qua nhiều khu vực có nền địa chất yếu, không ổn định với mật độ ô tô chở vật liệu xây dựng lưu thông hàng ngày rất cao nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra rò rỉ và vỡ ống trong khi Công ty chỉ có một đường ống độc đạo rất nguy hiểm khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra".

Đây không phải vấn đề duy nhất về đường truyền tải tại Viwasupco. Công ty này cho biết thêm trong điều kiện thị trường sản xuất và kinh doanh nước sạch ngày càng bị cạnh tranh do xuất hiện các nhà đầu tư mới, đường ống truyền tải nước sạch giai đoạn 1 đang xuống cấp; các điểm đấu nối với khách hàng hiện hữu đã tiệm cận đến khả năng cung cấp.

Có thể thấy, đây cũng là một trong nguy cơ có thể gây ra sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà.

Đường ống Sông Đà vỡ sau khi Viwasupco đầu tư mạnh cho truyền tải

Điều bất ngờ ở chỗ là đường ông sông Đà vỡ thêm một lần nữa ngay sau khi Viwasupco đầu tư mạnh cho truyền tải. Trong quý 1/2020, lợi nhuận của Viwasupco lao dốc bất chấp doanh thu tăng nhẹ. Đó là do Viwasupco chi nhiều tiền cho hoạt động xây dựng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 1/2020 của Viwasupco, trong kỳ, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Viwasupco tăng từ 109 tỷ đồng lên 116 tỷ đồng. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại "lao dốc", giảm 22,9 tỷ đồng, tương đương 45,5% so với quý 1/2019.

Nguyên nhân của sự lao dốc này là do "Trong kỳ, công ty hoàn thành đầu tư xây dựng hạng mục trạm điều tiết Tây Mỗ và tuyến truyền tải nước sạch dài 6,4km, dẫn đến khấu hao, lãi vay tăng là 19,1 tỷ đồng và trong kỳ Công ty thực hiện trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư dài hạn với giá trị là 10,4 tỷ đồng. Do vậy, chi phí quý 1/2020 tăng 53,9% so với cùng kỳ năm trước".

Giảm lợi nhuận năm 2020, giảm lương lãnh đạo

Do xác định được các rủi ro (một trong các rủi ro đó là vỡ đường ống nước Sông Đà) và nhiều đối thủ cạnh tranh, năm 2020, Viwasupco đã chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, trong năm 2020, Viwasupco lên kế hoạch giảm sản lượng nước từ 99,4 triệu m3 xuống 104,5 triệu m3. Kết quả là doanh thu giảm từ 540 tỷ đồng xuống 514,6 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm từ 137,8 tỷ đồng xuống 136,3 tỷ đồng.

Do xác định được 2020 là năm đầy khó khăn nên Viwasupco đã dự kiến giảm sâu lương Hội đồng quản trị. Theo đó, trong năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị được trả 50 triệu đồng/tháng, tương đương 600 triệu đồng/năm. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận 30 triệu đồng/người/tháng, tương đương 360 triệu đồng/người/năm.

Như vậy, tổng thù lao dành cho Hội đồng quản trị Viwasupco trong năm 2020 là 2,04 tỷ đồng, giảm đáng kể so với gần 2,8 tỷ đồng của năm 2019.

Kế hoạch đi lùi của Viwasupco nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực khi một trong những nỗi lo của công ty là vỡ đường ống nước Sông Đà đã nhanh chóng xảy ra.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục