VN-Index 'rời xa' vùng 1.300 điểm, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào?
VN-Index 'bốc hơi' hơn 20 điểm trong tuần qua
VN-Index khởi đầu tuần (30/9) trong sự thận trọng khi chưa thể vượt mốc 1.300 điểm vào tuần trước. Kết phiên giao dịch, chỉ số giảm 0,2% xuống mức 1.287,9 điểm với thanh khoản sụt giảm hơn 20% so với chốt phiên giao dịch tuần cũ.
Đóng cửa phiên 1/10, VN-Index tăng chỉ tăng nhẹ 0,3% lên mức 1.292,2 điểm dù có lúc chỉ số đã tăng hơn 14 điểm và vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Diễn biến nói trên đến từ việc nhóm cổ phiếu trụ phải chịu áp lực chốt lời và đà tăng suy yếu dần khi về cuối buổi chiều. VN-Index kiểm định bất thành mốc 1.300 điểm,
VN-Index ngày 2/10 diễn biến kém khởi sắc khi giảm 0,3% xuống mức 1.287,8 điểm. Sắc đỏ chiếm ưu thế khi tỷ lệ mã tăng/giảm giá là 96/299. Dòng tiền vẫn tập trung vào các ngành như Ngân hàng, Bất động sản và Dịch vụ tài chính. Trong nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là lực đỡ với những mã tăng điểm như VCB, TCB, TPB.
VN-Index phiên 3/10 chứng kiến một diễn biến khó lường giữa phiên sáng và phiên chiều, tuy nhiên đến cuối lực bán đã giành chiến thắng và chỉ số giảm 0,8% xuống mức 1.270,6. Thanh khoản là điểm nổi bật khi đạt mức hơn 23.000 tỷ đồng, cao nhất từ tháng 8 đến nay.
Dưới áp lực bán của nhóm vốn hóa lớn, VN-Index ngày 4/10 tiếp tục giảm về quanh mốc 1.270 điểm. Ngân hàng bất ngờ là ngành gây áp lực đến chỉ số khi góp mặt 6 đại diện trong số 10 mã tác động tiêu cực đến chỉ số cùng với những cái tên như VNM, GVR và VIC. Kết tuần, VN-Index giảm 1,6% xuống mức 1.270,6 điểm.
Tuần này, VPB (+1,3%), OCB (+6,2%) và SSB (+2,9%) là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VHM (-4,4%), CTG (-3,8%) và VIC (-3,5%) là các mã gây áp lực lên chỉ số.
Thanh khoản tuần (30/9 - 4/10) giảm 4,2% xuống 18.542 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 92,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 444,7 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 295,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 242,5 tỷ đồng trên UPCoM.
Tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu với giá vốn hời
Đúng như nhận định, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT cho biết, chỉ số VN-Index đã đối mặt với áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ khi tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm và quay đầu giảm điểm trong tuần vừa qua.
Nhịp điều chỉnh của thị trường còn chịu tác động từ việc tỷ giá USD/VND liên ngân hàng quay đầu tăng trở lại lên mức 24.750 và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng vượt mốc 4%.
Theo chuyên gia, trong tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). "Tôi kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này", ông Hinh nói.
Dù vậy, trong trung hạn, ông Hinh vẫn giữ quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu, NHNN sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, ông Hinh đề cập đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 và quý 4 năm nay, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023.
Do đó, nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm như khuyến nghị có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.