Xót xa dân trồng 4 sào dưa lê không bán được quả nào

28/05/2020 14:00 GMT+7
Chi Lăng (Lạng Sơn) là huyện có nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích đất ruộng sang trồng các loại cây như dưa lê, dưa bở.... Tuy nhiên, dưa lê năm nay mất mùa, nhiều hộ dân trồng dưa lê gần như mất trắng.

Dân xót xa vì vụ dưa năm nay mất trắng.

Những ngày tháng 5 này đang là thời điểm chính vụ thu hoạch dưa, thế nhưng tại điểm chợ thu mua dưa lê trên địa bàn huyện lại rất vắng vẻ. Chị Lương Thị Phấn cho biết: “Tầm này mùa dưa năm ngoái dưa nhiều quả trắng phau, giòn và đẹp năm nay thì chẳng thấy mấy ai bán. Vì theo chị dưa lê năm nay mất mùa. Có nhà trồng 3 - 4 sào mà chẳng được bán quả nào, làm gì có dưa đẹp để chọn như năm ngoái". 

Bà Triệu Thị Bình, thôn Làng Nhũa chỉ tay vào những quả dưa chưa kịp già mà dây đã chết héo mà xót xa cho biết, năm nào nhà bà cũng trồng hơn 5 - 6 sào dưa lê. Chưa năm nào dưa mất mùa như năm nay. Trong hai tháng gần đây, trên địa bàn xuất hiện một số cơn mưa lớn, gây ngập úng, làm thối gốc, chết cây, thối quả. 

Vụ dưa năm ngoái, năm kia bà Bình thu hoạch gần 6 - 7 tạ, thu về hơn 35 đến 40 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được hơn 60kg bán được gần 1 triệu đồng, chưa đủ tiền mua giống cây, phân bón. 

"Từ lúc trồng đến lúc ra hoa, cây phát triển rất tốt xanh mơn mởn, dây bò khắp ruộng. Nhưng từ lúc ra trái không biết do đâu mà cây bắt đầu vàng lá dần. Tôi chỉ kịp cắt được đợt quả đầu tiên hơn 60 kg đi bán giao với giá 16.000/kg rồi sau đó cây cứ vàng lá dần, ngọn còi cọc rồi chết héo". 

Lạng Sơn: Dân khóc ròng vì vụ dưa lê mất mùa - Ảnh 2.

Vườn dưa lê của gia đình bà Bình đang được dọn cỏ để tiếp tục trồng ngô.

Lạng Sơn: Dân khóc ròng vì vụ dưa lê mất mùa - Ảnh 3.

9 sào dưa lê của gia đình bà Bình coi như mất trắng.

Bà Bình cho biết: Không chỉ riêng 9 sào dưa lê của gia đình bà mà hầu như các hộ khác cũng bị mất mùa tương tự. Nhiều hộ khác vườn dưa lê không chết như nhà bà nhưng cũng không có quả, hoặc quả méo mó cây còi cọc quả không kịp lớn nên cũng mất mùa. 

"Ruộng này là tôi mượn đất nhà cháu gái để trồng chứ không phải đất của gia đình. Những mong có 1 mùa dưa lê bội thu bán được giá hơn mọi năm, ai ngờ mất hết. Giờ quả rải trắng thối khắp ruộng cũng chẳng biết để làm gì. Nhặt về cho gà, gà còn chẳng ăn", bà Bình nói. 

Theo bà Bình bình quân mỗi sào dưa lê cho từ 7 - 8 tạ quả, trừ chi phí người trồng lãi hơn 10 triệu đồng/sào/vụ. “Chẳng hiểu sao, năm nay dưa lại không ra quả, cây ra quả thì lại chết. Một số cây có quả thì lại chậm phát triển, gia đình tôi tính phá bỏ để trồng ngô, bà Bình nói. Giống như gia đình bà hầu hết các hộ trồng dưa lê ở đây đều gặp tình trạng tương tự. 

Năm nay, gia đình bà Triệu Thị Mào cũng thất thu vụ dưa lê. "Nhiều gia đình đầu tư tiền giống, phân bón, tiền thuế máy cày bừa để lên luống.... bao nhiêu chi phí bỏ ra giờ công cốc. Còn chưa tính đến công người ngày ngày đội nắng chăm sóc, cắt tỉa tại vườn. Giờ nhìn mà xót". 

Lạng Sơn: Dân khóc ròng vì vụ dưa lê mất mùa - Ảnh 4.

Dưa non, quả thối, chất lượng không đạt để mang bán nên giờ nằm la liệt trên ruộng.

Vụ dưa năm nay của gia đình chị Hoàng Thị Dung cũng chẳng thu được mấy quả. Nhặt những quả dưa còn sót lại trên ruộng chị Dung cho biết: Năm nay dưa mất mùa, 2 sào dưa mà chỉ thu được vài chục cân. Đã thế ruộng dưa trồng gần đường đi lại nên lại còn bị mất trộm nữa. 

Việc mùa dưa thất thu, mất trắng có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên ngoài yếu tố về thời tiết, thì việc trồng, chăm sóc dưa hiện nay của bà con vẫn theo cách truyền thống, chưa áp dụng phương pháp chăm sóc mới nên sản lượng, cũng như chất lượng dưa lê không tăng nhiều. Một mặt do thời tiết không thuận, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, nhưng mặt khác người nông dân cũng chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào sản xuất; công tác dự tính, dự báo và định hướng sản xuất cho bà con nông dân còn nhiều hạn chế… 

Lạng Sơn: Dân khóc ròng vì vụ dưa lê mất mùa - Ảnh 5.

Nhiều hộ khác trồng dưa lê cũng thất thu bởi cây ra ít trái mà méo mó, quả được quả không.

Muốn phát triển thành vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn thì người dân cần tăng cường áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời công tác đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, dự báo, định hướng và liên kết sản xuất cũng có vai trò rất quan trọng. 

Để việc trồng dưa ổn định, đạt năng suất, sản lượng cao, hạn chế thấp nhất việc mất mùa, cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn trong huyện sẽ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dưa đúng quy trình, kỹ thuật; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để xử lý khi ruộng dưa gặp điều kiện thời tiết bất lợi (ngập úng, hạn hán) hoặc bị sâu bệnh.

Mộc Trà
Cùng chuyên mục