Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, cổ phiếu ngành gạo có hưởng lợi?

14/06/2022 10:17 GMT+7
Riêng tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 710.371 tấn gạo, tương đương 347,1 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 25,8% kim ngạch.

Xuất khẩu gạo tháng 5 tăng hơn 25%

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn gạo, tương đương trên 1,35 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng, nhưng giảm 4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45,9% trong tổng lượng và chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước và ở mức 1,3 triệu tấn, tương đương 589,81 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tăng 34%, kim ngạch giảm 12,7%.

Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ hai, chiếm trên 14% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch, đạt 388.616 tấn, tương đương 203,34 triệu USD, giảm 19,5% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, cổ phiếu ngành gạo có hưởng lợi? - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạotiếp tục tăng trưởng ấn tượng, bất chấp những tác động không nhỏ của dịch COVID-19. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Đứng thứ ba là Bờ Biển Ngà, chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch với 273.078 tấn, tương đương 117,96 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 16,8% kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Riêng tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 710.371 tấn gạo, tương đương 347,1 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 25,8% kim ngạch. So với tháng 4, xuất khẩu mặt hàng này tăng 13,3% về lượng, tăng 2,4% kim ngạch so với cùng kỳ 2021.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi

Trong quý I/2022, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều “ăn nên làm ra.”

Cụ thể, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) trong 3 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 958 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 27,1 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 119% và 697% so với cùng kỳ.

Agriseco Research đánh giá kết quả kinh doanh khả quan đến từ việc xuất khẩu gạo tăng trưởng tích cực khi TAR cho biết đã trúng thầu xuất khẩu gần 50.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2022.

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, Trung An có kế hoạch chuyển nhượng lô đất có diện tích khoảng hơn 10.000 m2 tại tỷnh Cần Thơ và kỳ vọng ghi nhận 470 tỷ đồng lợi nhuận từ giao dịch này. Agriseco Research kỳ vọng việc chuyển nhượng sẽ diễn ra trong thời gian tới và ghi nhận vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Agriseco Research, Trung An có triển vọng tích cực nhờ đà tăng giá lương thực và sự gia tăng của xu thế bảo hộ thương mại trước nỗi lo an ninh lương thực. Việc trúng thầu xuất khẩu gạo sang các thị trường và ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản sẽ giúp Trung An có kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) cũng ghi nhận doanh thu trong kỳ đạt 2.345 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu doanh thu biến động khá mạnh, mảng lương thực tăng gần gấp đôi lên 1.183 tỷ đồng, song mảng thuốc bảo vệ thực vật lại suy giảm 37,7% cùng kỳ, xuống còn 981,2 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2022, LTG báo lãi sau thuế 184 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng ghi nhận kinh doanh tăng trưởng mạnh là Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM). Trong quý I/2022, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.019 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 13 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Angimex đạt 10 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.

Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam-Vinaseed (HoSE: NSC) trong quý I/2022, ghi nhận doanh thu đạt 345,8 tỷ đồng tăng 21,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 37,5 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những ngày đầu tháng 6/2022, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Thị trường xuất khẩu gạo khá ổn định, nhu cầu mua vẫn ở mức cao. Hiện, gạo 5% tấm Việt Nam đã tăng trở lại mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm giá chào bán 403 USD/tấn, gạo 100% tấm giá bán 378 USD/tấn và gạo Jasmine 528 - 532 USD/tấn.

Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.

Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Bởi thông thường mọi năm, Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhưng năm nay nước này nhập khẩu sớm nên thị trường sôi động từ tháng 5.

Với nhu cầu mua gạo của các thị trường đang tăng, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là thị trường Philippines và Trung Quốc, bởi sản lượng gạo Trung Quốc bị giảm sút do ảnh hưởng của lũ lụt và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập vào.

Nhận định về triển vọng ngành gạo năm 2022, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo, bởi nhu cầu của thế giới tăng cũng như chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.

Rủi ro lớn nhất cho ngành xuất khẩu gạo năm 2022 được cho là là tình trạng thiếu container rỗng và phí vận tải tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gạo bên cạnh phát huy thế mạnh về sản phẩm của mình sẽ cần phải có kế hoạch thuê tàu hợp lý, kịp thời. Các thương nhân trong thời gian vừa qua cũng đã giảm giá gạo để chia sẻ khó khăn với các đối tác, xuống mức 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.



Ong Lý
Cùng chuyên mục