Xuất khẩu giảm mạnh, dự báo "nóng" về con tôm

16/11/2022 11:31 GMT+7
Xuất khẩu tôm tháng 10 giảm mạnh tới 26% vì nhu cầu yếu. Trong khi đó, Rabobank tiếp tục dự báo thương mại tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng...

Xuất khẩu tôm tháng 10 giảm 26% vì nhu cầu yếu 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 907,4 triệu USD, tăng 5,2% so với tháng 9/2022 và tăng 2,1% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,35 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản tháng 10/2022 tăng nhờ xuất khẩu sang Nhật Bản và Trung Quốc tăng mạnh, trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU giảm. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga tháng 10/2022 cũng phục hồi mạnh. 

Tháng 10/2022, Nhật Bản vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 160,6 triệu USD, tăng 34,1% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,43 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ tháng 10/2022 đạt 150,5 triệu USD, giảm 31,3% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng 59,8% so với tháng 10/2021, đạt 141 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,35 tỷ USD, tăng 81,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trong Liên minh châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ tháng 10/2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu giảm mạnh vì nhu cầu yếu, dự báo "nóng" về con tôm - Ảnh 1.

Ước tính đến giữa tháng 11, dù khó khăn, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.…

Xuất khẩu giảm mạnh vì nhu cầu yếu, dự báo "nóng" về con tôm - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Lạm phát cao tại Hoa Kỳ và châu Âu đã tác động đến nhập khẩu thủy sản của các thị trường này trong tháng 10/2022. Giá cả hàng hoá tăng, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Xu hướng xuất khẩu thủy sản tới Hoa Kỳ và EU chậm lại nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong các tháng cuối năm 2022. Đơn hàng xuất khẩu thủy sản mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Riêng mặt hàng tôm, sang tháng 10, với mức giảm sâu 26%, xuất khẩu tôm đã bộc lộ rõ xu hướng đi xuống của thị trường nhập khẩu cũng như các bất cập của doanh nghiệp tôm nói riêng và toàn ngành thuỷ sản nói chung.

Xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng 23% đạt gần 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm thực sự chỉ tăng đột phá vào nửa đầu năm nhờ giá xuất khẩu cao và nhu cầu của thị trường tăng mạnh.

Từ quý III, xuất khẩu tôm đã chững lại và giảm dần tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và giảm dần so với những tháng liền kề trước đó.

Quý III/2022, xuất khẩu tôm cả nước đạt 1,13 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chỉ tăng gần 4%, xuất khẩu tôm sú giảm 7%. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng đã giảm 5% so với cùng kỳ, xuất khẩu tôm sú giảm 7%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm hùm trong quý III tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.

Sang tháng 10, với mức giảm sâu 26%, xuất khẩu tôm đã bộc lộ rõ xu hướng đi xuống của thị trường nhập khẩu cũng như các bất cập của doanh nghiệp tôm nói riêng và toàn ngành thuỷ sản nói chung.

Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ thu được 313 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm nay (trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết Nguyên đán). Luỹ kế tới hết tháng 10, ngành tôm xuất khẩu ghi nhận doanh số trên 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10, các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam đều bị sụt giảm rất mạnh. Theo đó, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 56% đạt trên 52 triệu USD, sang Nhật Bản giảm 19%, sang Hàn Quốc giảm 26%, sang Anh và các nước EU giảm sâu từ 55% - 88% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông vẫn giữ được tăng trưởng lần lượt là 18% và 14% so với tháng 10/2021.

Tính tới hết tháng 10, dù giảm 19% so với cùng kỳ, nhưng thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt 727 triệu USD, tương đương khoảng 63 nghìn tấn tôm.

Xuất khẩu giảm mạnh vì nhu cầu yếu, dự báo "nóng" về con tôm - Ảnh 3.

Từ quý III, xuất khẩu tôm đã chững lại và giảm dần tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và giảm dần so với những tháng liền kề trước đó.

Thương mại tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng...

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 9 tháng đầu năm nay, thị trường này nhập khẩu khoảng 646,5 nghìn tấn tôm từ 40 nước, trị giá trên trên 6 tỷ USD. Khối lượng nhập khẩu tương đương với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị tăng 9%. Nguyên nhân là do giá nhập khẩu trung bình tăng 8,4% lên 9,41 USD/kg.

Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 tại thị trường Hoa Kỳ, chiếm 9% về khối lượng và 11% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ cao hơn 9% so với cùng kỳ, từ mức 10,59 USD tăng lên 11,54 USD/kg.

Ấn Độ, Indonesia và Ecuador vẫn chiếm thị phần chi phối với 35%, 20% và 19% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm từ 3 nước này vào Hoa Kỳ đạt lần lượt 9,25 USD, 9,63 USD và 7,67 USD/kg, cũng tăng từ 7-10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang các thị trường khác tính đến cuối tháng 10 vẫn giữ được tăng trưởng khả quan, trong đó sang Trung Quốc tăng 70%, sang Australia tăng 50%...

Mặc dù đang giai đoạn cuối năm, nhưng xuất khẩu tôm trong 2 tháng tới khó giữ được tăng trưởng như những tháng trước vì nhu cầu trên thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn và chi phí sản xuất thì vẫn cao, trong khi doanh nghiệp và người nuôi thì thiếu vốn để quay vòng đầu tư sản xuất – chế biến xuất khẩu.

Xuất khẩu giảm mạnh vì nhu cầu yếu, dự báo "nóng" về con tôm - Ảnh 4.

Rabobank tiếp tục dự báo thương mại tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng...

Theo báo cáo “Thương mại thủy sản toàn cầu: Những bên thắng cuộc trong thập kỷ tăng trưởng” của Rabobank, nuôi trồng thủy sản cao cấp (cá hồi và tôm) là động lực chính cho tăng trưởng thương mại thuỷ sản toàn cầu trong những năm qua và còn tiếp tục tăng tới đây. 

Ngành cá hồi từ năm 2016 đến nay tăng trưởng nhanh nhờ nhu cầu các loại protein lành mạnh và tiện lợi ngày càng tăng. Trong giai đoạn trước đại dịch 2013 – 2019, thương mại cá hồi nuôi đạt 4,8 tỷ USD/năm. Năm 2020, thương mại cá hồi giảm 8,4% so với năm 2019, nhưng đã tăng trưởng trở lại trong năm 2021. EU và Anh là thị trường tiêu dùng cá hồi hàng đầu thế giới trong năm 2021, đóng góp 41% tổng trị giá nhập khẩu; trong khi nhập khẩu cá hồi của Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục 505.571 tấn với trị giá nhập khẩu tăng 27%, mức tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ. 

Trong khi đó, tăng trưởng thương mại tôm toàn cầu tăng thêm 7,6 tỷ USD từ năm 2013 tới nay, chủ yếu nhờ nhu cầu cao và sản lượng tăng. Trong năm 2021, thương mại tôm toàn cầu đạt 24 tỷ USD và tôm trở thành loài thủy sản được giao dịch thương mại lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới, tổng cộng chiếm 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ sẽ giảm so với mức kỷ lục vào năm 2021 và trở lại bình thường trong 2 – 3 năm tới, chủ yếu là do kinh tế khó khăn và lạm phát cao khiến một bộ phận người tiêu dùng giảm chi tiêu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ phục hồi. 

Trong dài hạn, Rabobank dự báo thương mại cá hồi và tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc được cho là vẫn “còn nhiều tiềm năng tiếp tục định hình các luồng thương mại thủy sản toàn cầu và sẽ là các động lực chính trong ngắn và trung hạn”. 

Điểm nhấn trong đánh giá của Rabobank về ngành tôm Ấn Độ, có thể ảnh hưởng tới thương mại tôm toàn cầu. Đó là ngành nuôi tôm Ấn Độ đang gặp khó khăn do giá tôm thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, bất chấp những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm cắt giảm tỷ lệ thức ăn và thiết lập mức giá tối thiểu. 

Ngày 14/10/2022, một ủy ban được thành lập bởi bang Andhra Pradesh - bang nuôi tôm chính, thông báo họ sẽ giảm chi phí đầu vào thức ăn khoảng 2,60-2,80 INR/kg (0,03 USD/kg), đồng thời đưa ra mức giá tối thiểu 240 INR (2,90 USD)/ kg đối với tôm cỡ 100 con nhằm giảm thiểu tình trạng sụt giảm đang diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, những nỗ lực không mang lại kết quả như mong đợi, mức giá hầu hết các kích cỡ tôm vẫn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho các thời điểm trong năm. 

Giá tôm tại Ấn Độ giảm chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tôm tại các thị trường lớn của Ấn Độ đang giảm. Nhu cầu của Hoa Kỳ giảm do hàng tồn kho cao. Xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu đã chậm lại rất nhiều, châu Âu vẫn tiến hành kiểm tra 50% với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ.

Dù gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 vẫn dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD; tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.

Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục