Xuất khẩu gỗ: Khó càng thêm khó
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) gỗ, năm 2021, phần lớn DN không dám nhận đơn hàng cho cả năm. Thay vào đó, các đơn vị chỉ ký các đơn hàng ngắn hạn trong 1 đến 2 quý.
Nguyên nhân là do, các DN vẫn lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình hình thiếu container rỗng và biến động của cước vận tải biển.
Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết, khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, giá thuê container mới giảm. Tuy nhiên, hiện tại, dù giá đã giảm những vẫn ở mức cao và thị trường quốc tế vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.
"Trước đây, giá cước container khoảng 2.800 - 3.000 USD, nay có những cảng, chi phí này lên đến 11.000 - 13.000 USD", ông Nguyễn Liêm cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng cũng gây nhiều khó khăn, báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho thấy, năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 12,37 tỷ USD.
Theo đó, với giá trị xuất khẩu nói trên, ngành gỗ cần khoảng từ 650.000 - 700.000 container rỗng. Dự kiến, năm 2021, với giá trị xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD, sẽ cần trên 800.000 container. Như vậy, lượng container cần sử dụng sẽ tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với năm trước.
Đối với các thị trường lớn như Mỹ, EU,… dự kiến, năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sẽ cần số lượng container rỗng rất lớn. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển dự báo tăng cao trong năm nay.
Cụ thể, với thị trường EU, giá cước vận tải biển tăng từ 400 - 500 USD/container ở chiều nhập khẩu, cước trung bình thời điểm tháng 11/2020 ở mức 1.100 USD/container 40 feet thì tới tháng 3/2021 tăng lên 1.500 USD/container 40 feet.
Tại thị trường Hàn Quốc, cước trung bình ở thời điểm hiện tại từ 1.300 - 1.400 USD/container 40 feet, trong khi trước tháng 3/2020 ở mức từ 100 - 150 USD/container 40 feet.
Hiện, tình trạng thiếu container rỗng đã bớt căng thẳng ở cả chiều xuất và nhập. Tuy nhiên, VIFORES ước tính, ngành gỗ sẽ vẫn thiếu khoảng 15 - 20% container rỗng, nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn.
Về rủi ro phòng vệ thương mại, trước đó, các Hiệp hội VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và Tổ chức Forest Trends đã đưa ra Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020: Thực trạng 2020 và xu hướng 2021".
Theo đó, ngoài mặt hàng gỗ dán đang bị Chính phủ Mỹ điều tra, còn có các mặt hàng gỗ khác của Việt Nam đang ẩn chứa rủi ro về gian lận thương mại là: ghế ngồi, tủ bếp, bộ phận tủ bếp và ghế sofa.
Cũng theo nhóm nghiên cứu nói trên, nguyên nhân của nhận định trên là do kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng này tại Việt Nam tăng bất thường.
Cụ thể, năm 2020, xuất khẩu ghế ngồi của Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu ghế ngồi cũng tăng nhanh với mức tăng 28% và đạt 163 triệu USD. Ghế ngồi nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc với giá trị 139,25 triệu USD.