Xuất khẩu nông, thủy sản sang EU: Chất lượng là yếu tố sống còn

20/09/2020 17:25 GMT+7
Hiệp định EVFTA đang mở ra triển vọng cho nhiều mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam đặt chân vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần lấy chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn để xâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường EU trong tương lai.

Đồng nhất chất lượng là vấn đề cốt lõi

Mới đây Việt Nam xuất khẩu lô tôm, lô cà phê đầu tiên đi một số nước châu Âu theo Hiệp định EVFTA được hưởng thuế suất 0%. Đánh giá của ông như thế nào về cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường khó tính này?

- Đây là tin vui và là lợi thế rất lớn cho nông dân, DN Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là muốn bán hàng sang châu Âu, phải đồng nhất trong phân phối sản phẩm, mẫu mã, bao bì, chất lượng. Đặc biệt là tất cả các lô hàng phải đồng nhất về chất lượng, điều này mới quan trọng. Ưu đãi thuế quan chỉ là một lợi thế để Việt Nam mở cánh cửa vào EU, song rất khó để giữ thị phần ở thị trường khó tính này nếu người tiêu dùng EU không nhận thấy có lợi điểm về mặt chất lượng. Cần nhấn mạnh một điều là Hiệp định EVFTA giảm thuế nhập khẩu không quan trọng bằng việc sản phẩm Việt Nam mang sang EU có bán được hay không.

Ông có khuyến nghị nào dành cho DN xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam khi muốn xâm nhập sâu vào thị trường EU?

- Trước hết, nhà nông, nhà chế biến thực phẩm muốn xuất hàng sang châu Âu phải hiểu rất rõ quy định của Hiệp định EVFTA, nhất là những quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi trồng, khai thác…

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao được chất lượng sản phẩm. Sở dĩ tôi nói vậy, vì người châu Âu rất kỹ tính trong việc ăn uống, không phải cứ giá rẻ là họ mua. Tôi đã từng sống ở châu Âu nhiều năm nên tôi hiểu, với mức thu nhập rất cao nên bất kỳ sản phẩm nào dù tăng hay giảm 1 USD với người tiêu dùng châu Âu không quan trọng. Họ không quan tâm nhiều giá sản phẩm mà xem trọng chất lượng của sản phẩm.

Xuất khẩu nông, thủy sản sang EU: Chất lượng là yếu tố sống còn - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

 

Điều đáng phải lưu tâm hơn bao giờ hết đó là hàng của Việt Nam ở những lô đầu chất lượng, mẫu mã rất tốt, nhưng những lô hàng sau có sự chểnh mảng về chất lượng hoặc chất lượng không đồng đều. Thực tế này đã từng xảy ra ở nhiều thị trường, chẳng hạn như Mỹ tôi đã chứng kiến. Nếu các lô hàng không đồng đều về chất lượng thì DN chỉ chen chân vào thị trường EU ban đầu song khó mà có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường này về mặt lâu dài.

Tuân thủ “luật chơi” tiêu chuẩn cao

Vậy, theo ông, cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp gì để ngăn chặn các trường hợp DN xuất khẩu làm ăn kiểu “đầu voi đuôi chuột”?

- Các cơ quan quản lý cần phải quan tâm rất nhiều đến chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU. Bởi bất kỳ một sự phàn nàn nào của người tiêu dùng cũng là sự lưu tâm của những nhà phân phối ngành hàng Việt Nam bên châu Âu. Tất cả sự phàn nàn đó cần chuyển về cho các nhà quản lý Nhà nước của Việt Nam. Qua đó, các nhà quản lý Việt Nam phải có sự đánh giá, nghiên cứu giải pháp cũng như hỗ trợ DN cải tiến mẫu mã, chất lượng, phân phối sản phẩm.

Các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam sẽ rất vất vả trong chặng đường chiếm thị phần thị trường ở châu Âu nếu không được hỗ trợ về logistics (vận chuyển hàng hóa). Với nông sản phải được vận chuyển bằng đường hàng không, đường tàu biển sao cho nhanh nhất, bởi nông sản là loại hàng hóa khó có thể để lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

Mặt khác, chi phí bảo quản chất lượng, kho chứa lạnh sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, dẫn đến đẩy giá thành của hàng hóa lên cao. Mặc dù, logistics là vấn đề của các DN xuất khẩu, song các cơ quan quản lý nên có sự phối hợp trong việc gom các lô hàng xuất khẩu để vận chuyển nhanh hơn. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các cơ quan quản lý.

Ngoài vấn đề chất lượng được người tiêu dùng châu Âu đặt lên hàng đầu, EU rất coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong thời gian bị EC gắn thẻ vàng IUU (chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký đối với hàng thủy sản). Vậy, có giải pháp nào để ngành thủy sản Việt Nam thoát khỏi tình cảnh này?

- EU đặc biệt coi trọng vấn đề chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký đối với hàng thủy sản. Đơn cử như việc đánh bắt cá thu như thế nào? Có phù hợp với chuẩn mực quốc tế và EU hay không? Người tiêu dùng EU rất quan tâm. Ngược lại, các ngư dân của Việt Nam hầu như không quan tâm và vẫn có những hành vi đánh bắt thủy sản bằng điện. Nhiều khách hàng EU cho biết, họ không thể tưởng tượng ở thế kỷ XXI mà vẫn còn tồn tại những kiểu đánh bắt thiếu nhân đạo như vậy.

Do đó, ngư dân, DN thay vì chỉ biết làm ăn mang lại lợi nhuận cho mình như trước đây thì ở thời đại này cần tuân thủ chuẩn mực về đạo đức con người, đạo đức xã hội. Nếu không thực hiện được sẽ tạo nên sự ác cảm, quay lưng của người tiêu dùng, thậm chí là làm phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, phá vỡ hệ sinh thái thiên nhiên. Về phía Chính phủ cần quan tâm hơn nữa vấn đề bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thiên nhiên. Chỉ có cách đó Việt Nam mới có thể đi vào thị trường khó tính như EU.

Bên cạnh đó, EU rất coi trọng vấn đề lao động bởi nó liên quan đến nhân quyền. EU không chấp nhận các trường hợp lao động là trẻ em làm trong môi trường gây tổn hại cho sức khỏe hay lao động không được đối xử công bằng. Tất cả điều này đều được nhắc đến trong quy định của Hiệp định EVFTA. Do đó, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động để chiếm lĩnh được thị trường EU.

Coi thương hiệu, sở hữu trí tuệ là tài sản quốc gia

Nhiều ý kiến cho rằng, thương hiệu và sở hữu trí tuệ vẫn là những điểm yếu của hàng nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đúng là trong thời gian qua Việt Nam rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho rất nhiều sản phẩm, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu… Nhưng đáng buồn là sau mấy chục năm Việt Nam vẫn đứng sau một số quốc gia khác. Tôi lấy ví dụ như hồ tiêu Việt Nam, hiện vẫn đứng sau hồ tiêu Ấn Độ.

Thực tế, thương hiệu một số nông sản Việt Nam đã có nhưng không phải là thương hiệu đứng đầu ở EU. Có thể nói, xây dựng thương hiệu vẫn luôn là bài toán khó đặt ra với nông sản Việt Nam. Thương hiệu ở đây không chỉ đơn thuần là quảng bá mà nó phải tạo được lòng tin với người tiêu dùng EU. Khi họ có lòng tin cùng với quảng bá, mẫu mã, chất lượng, phân phối thì các sản phẩm thương hiệu Việt mới được khẳng định và phát huy giá trị.

Hiện nay, thế giới rất coi trọng sở hữu trí tuệ vì đây là tài sản mà các cá nhân, tổ chức đưa ra ý tưởng, tài sản này phải được luật pháp bảo vệ. Theo tôi, các nhà chế biến thực phẩm phải thay đổi tư duy, các nhà quản lý cũng cần quan niệm rằng sở hữu trí tuệ là vấn đề toàn cầu. Thực tế hành vi về ăn cắp bằng sáng chế, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã và đang xảy ra rất nhiều ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, khi đặt chân vào EU - thị trường nghiêm ngặt trong mọi quy định, Việt Nam phải đặt sở hữu trí tuệ lên bàn cân chứ không phải cứ thấy mỗi lợi thế ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA mà có thể ào ào vào chiếm lĩnh thị trường.

Dự báo của ông như thế nào về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam vào EU trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát tại nhiều nước châu Âu?

- Thị trường EU là thị trường tiềm năng cho hàng nông, thủy sản Việt Nam. Nhất là khi Hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi đã mang lại nhiều ưu đãi về thuế quan, ưu đãi thị trường. Viêt Nam phải khai thác một cách triêt để Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi không lạc quan về thị trường EU sắp tới vì thị trường EU đang bị thu gọn lạị. GDP của EU được dự báo tăng trưởng âm trong năm 2020 và nếu phục hồi thì cũng phải đến năm 2022. Do đó, năm nay và năm 2021 tôi không kỳ vọng nhiều vào những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại cho xuất khẩu Việt Nam nói chung và xuất khẩu nông, thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm mọi cách để có thể chen chân vào thị trường EU.

Xin cảm ơn ông!

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm thì kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tương đối tốt so với nhiều quốc gia khác, vì vậy Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để chen chân vào thị trường EU. Trong năm nay và năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xâm nhập vào thị trường EU nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều xuất khẩu lượng hàng hóa được bao nhiêu. Bởi, đây khoảng thời gian mà Việt Nam nên đề ra những kế hoạch chắc chắn, cụ thể khi bước vào “sân chơi” lớn. Đó cũng là giải pháp tạo dựng nền tảng để Việt Nam phát triển thị trường nhập khẩu EU bền vững" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Ánh Ngọc
Cùng chuyên mục