Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm: XK sang Mỹ tiếp tục tỏa sáng, đạt 1,5 tỷ USD

26/10/2021 17:21 GMT+7
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 154 thị trường. Top 6 thị trường gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quôc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu.

Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên xuất khẩu thủy sản sang một số vùng trọng điểm giảm so với cùng kỳ. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông giảm mạnh nhất khi sụt 20,5%, sang Hàn Quốc giảm 0,1%, xuất khẩu tại CPTPP giảm 1,7% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, bất chấp khó khăn do dịch, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ vẫn tăng trưởng đáng kể, đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 24%% so với cùng kỳ và chiếm 23,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Thị trường EU đạt 744 triệu USD tăng nhẹ 6,7%.

Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm: XK sang Mỹ tiếp tục tỏa sáng, đạt 1,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều tăng nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu cá tra đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2%, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD, tăng 2,7%; xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt 407 triệu USD tăng 2,7%; xuất khẩu cá ngừ đạt 520,5 triệu USD tăng 9,1%.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường và xuất hiện trở lại trong cộng đồng trong nước, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, do sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.

Đối với thị trường EU, mặc dù Covid làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các DN có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.

Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của Trung Quốc bị sụt giảm do Covid.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định, không tăng đột phá nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.

Theo Nghị quyết 105, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng, đồng thời đưa đa số này trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cũng được ưu đãi cho nhóm đối tượng này. Đây được xem là đòn bẩy cho ngành thủy sản trong Quý 4/2021.



An Vũ
Cùng chuyên mục