Xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 có thể giảm tới 4,1%
Cụ thể, số liệu từ VASEP cho thấy, quý III/2020, xuất khẩu thủy sản có sự hồi phục khi kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, riêng tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 790 triệu USD, tăng 9% cùng kỳ. Tính tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt gần 6 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ 2019.
Trong số các sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu, chỉ có tôm có mức tăng trưởng khả quan. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm hơn 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (năm 2019 chiếm 38,5%).
Chỉ tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu tôm đạt 369 triệu USD (tăng 20%) và tổng 9 tháng đạt gần 2,7 tỷ USD (tăng gần 10%). Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm và là mặt hàng có chỉ số xuất khẩu giảm sâu nhất.
Cụ thể, tháng 9, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 135 triệu USD (giảm 14%), tính chung 9 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 28,2%.
Giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là vì nhu cầu cá tra sụt giảm mạnh tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nguồn cung trong nước, lượng tồn kho tăng càng khiến hoạt động xuất khẩu cá tra gặp khó khăn.
Bên cạnh cá tra, xuất khẩu cá ngừ 9 tháng đầu năm cũng giảm 13% khi chỉ đạt 475 triệu USD. Từ ngày 1/8, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, mức thuế ưu đãi về 0% cho 11.500 tấn cá ngừ hộp xuất khẩu và mức thuế 0% cho cá ngừ đông lạnh.
Do đó, mặt hàng này được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục, tuy nhiên, sau 1 tháng EVFTA được thực thi, xuất khẩu cá ngừ sang EU vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ giảm 17% so cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc 9 tháng đầu năm giảm 7% khi đạt 398 triệu USD.
Tuy giảm nhưng xuất khẩu mực, bạch tuộc 8 tháng đầu năm vẫn có ghi nhận sự phục hồi với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 26,6 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, hai tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm mạnh. Từ tháng 3/2020, dịch bệnh tại Trung Quốc bớt căng thẳng nên nhu cầu nhập mực, bạch tuộc của Trung Quốc phục hồi.
Về thị trường, tính chung 9 tháng, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang 154 thị trường. Trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quôc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80%.
Theo đánh giá từ VASEP, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ chỉ giảm sâu trong tháng 4 và tháng 5. Sau đó xuất khẩu tôm và các loại thủy sản sang thị trường này tiếp tục tăng trở lại. Tổng 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt trên 1,16 tỷ USD, tăng 6% so cùng kỳ.
Trong khi đó xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản thời gian này đạt trên 1 tỷ USD, giảm 6%. Còn Trung Quốc đã vượt qua EU để trở thành thị trường lớn thứ 3 nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 975 triệu USD, tăng 2%.
Tại EU, xuất khẩu thủy sản sang 3 thị trường chính giảm sâu (Italy giảm 30%, Đức giảm 14% và Hà Lan giảm 30%). Tổng 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 692 triệu USD, giảm 11%... Theo giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là do hoạt động giãn cách xã hội vì dịch Covid - 19 khiến nhu cầu giảm mạnh.
Theo VASEP, trong bối cảnh dịch Covid - 19 còn diễn biến phức tạp, trong 3 tháng cuối năm dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chưa thoát được cơn khủng hoảng. Xuất khẩu thủy sản quý IV dự kiến đạt 2,3 tỷ USD (giảm 2% so cùng kỳ) và cả năm 2020 dự kiến đạt gần 8,23 tỷ USD (giảm 4,1% so với năm 2019).
Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh mùa covid-19