Xúc tiến thương mại sản phẩm hạt tiêu Việt đến thị trường Pháp

18/10/2022 07:58 GMT+7
Thị phần xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Pháp chiếm 10% tổng thị phần xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Mang hạt tiêu Việt Nam đến với thị trường Pháp 

Xúc tiến thương mại sản phẩm hạt tiêu Việt đến thị trường Pháp - Ảnh 1.

Thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Pháp chiếm 10% tổng thị phần xuất khẩu sang EU.

Nhằm quảng bá cho ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tại thị trường châu Âu và thế giới, đặc biệt là để tìm hiểu và kết nối thêm với các đối tác thị trường Pháp, vừa qua, tại thủ đô Paris, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức sự kiện kết nối giao thương với doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, bán buôn và siêu thị Pháp.

Tại sự kiện giao thương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển ấn tượng trong hơn 30 năm qua, là nền kinh tế thứ 3 khu vực Đông Nam Á năm 2022. Hơn nữa, Việt Nam xếp thứ hai trên thế giới về GDP, với mức tăng trưởng hằng năm duy trì ổn định trên 7%. Các hoạt động kinh doanh năng động và sức tiêu dùng trong nước ngày càng tăng. Với 15 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào đầu năm 2022, Việt Nam trở thành một phần của mạng lưới kinh tế rộng lớn của các đối tác quốc tế.

Xúc tiến thương mại sản phẩm hạt tiêu Việt đến thị trường Pháp - Ảnh 2.

Các mặt hàng hồ tiêu Việt Nam được giới thiệu tại Pháp.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, đây là cơ hội tốt để hai bên doanh nghiệp Việt Nam – Pháp trực tiếp trao đổi và tìm hiểu nhu cầu, từ đó phát triển giao thương giữa các đối tác. Chính quyền Pháp và Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nhà sản xuất và doanh nghiệp hai quốc gia duy trì tốt hoạt động thương mại và hoạt động của các chuỗi cung ứng.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới với năng suất hơn 1.200 kg/ha canh tác, chiếm gần 30% sản lượng thế giới và 50% xuất khẩu toàn cầu. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 37,61% năm 2020 lên 40,81% năm 2021. Thị trường Pháp là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức, Hà Lan và Anh).

Theo VPA, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu sang Pháp đạt 2.169 tấn, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù đà giảm trên diễn ra trong bối cảnh EU là một trong những khu vực chính bị ảnh hưởng lạm phát kinh tế thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, VPA đánh giá, khi khủng hoảng kinh tế lắng xuống, thị trường Pháp vẫn sẽ tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của doanh nghiệp hạt tiêu việt Nam, bởi thị phần xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Pháp mới chỉ chiếm 10% tổng thị phần xuất khẩu sang EU.

Tiềm năng là thế, song để các sản phẩm tiêu của Việt Nam có thể được bày bán trên các kệ siêu thị ở Pháp như mặt hàng gạo, theo VPA, các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng khi thị trường EU đang ngày càng tăng rào cản kỹ thuật. Đồng thời cần tăng cường xúc tiến thương mại, khảo sát nhu cầu, tiêu thụ cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Pháp nhằm đẩy mạnh hạt tiêu vào thị trường này, nâng mức tỷ lệ xuất hạt tiêu đã qua chế biến.

Tại sự kiện kết nối giao thương, ông Vũ Anh Sơn - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp - cho biết, đây là lần đầu tiên một hiệp hội của Việt Nam tìm hướng đi mới trong cách tiếp cận đối tác, kết nối giữa người mua hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu, hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững.

Các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam tham gia đoàn lần này đều rất mạnh và có tiềm lực xuất khẩu tốt. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và bán buôn lớn của Pháp cũng tham gia sự kiện này. Đây sẽ là thời điểm chín muồi để ngành hạt tiêu Việt Nam đầu tư phát triển thương hiệu tại Pháp và châu Âu.

Thời điểm chín muồi để tiêu Việt chinh phục thị trường châu Âu 

Được biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các chuyên gia nhận định, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu tiêu vào các nước EU, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.

Thực tế, ưu đãi từ Hiệp định đang được các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU tăng liên tục trong thời gian qua. Dự báo trong năm 2022, EU tiếp tục tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hạt tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường EU.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định vẫn còn những khó khăn nhất định bởi thách thức đối với các doanh nghiệp hạt tiêu muốn xuất khẩu sang EU có thể kể đến các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành hạt tiêu của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường EU như: Thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu thị trường và kênh tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh đó, việc nhận diện thương hiệu đối với mặt hàng hạt tiêu tại thị trường EU chưa đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm cho thị trường EU... khiến năng lực tiếng nói chung của ngành hàng chưa mạnh.

Xúc tiến thương mại sản phẩm hạt tiêu Việt đến thị trường Pháp - Ảnh 3.

Chất lượng tiêu Việt đang được cải thiện và VPA đang hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng mỗi năm mang về trên 3 tỷ USD này.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, EU là thị trường tiềm năng mặc dù khó tính. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành hàng hạt tiêu nói riêng và ngành hàng gia vị đánh giá cao thị trường EU bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, hàng rào lớn nhất hiện nay đối với ngành hạt tiêu nói riêng và ngành hàng gia vị đó là các tiêu chí về quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Thị trường EU đặt ra những tiêu chí rất cao và ngày càng mở rộng với mức độ chặt chẽ hơn.

Bên cạnh các tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất và sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và hệ sinh thái tự nhiên, thị trường EU còn yêu cầu các tiêu chuẩn như Fairtrade (thương mại công bằng) yêu cầu khắt khe đối với các chính sách và thực hành của doanh nghiệp trong việc đảm bảo bình đẳng giới, môi trường bền vững, quyền lợi cho người lao động.

Hiện các doanh nghiệp trong ngành hạt tiêu và gia vị đều đi theo hướng canh tác bền vững, do đó, họ đã thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất tại vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất chưa đủ mạnh và việc mở rộng liên kết còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề về vốn và cả đầu ra xuất khẩu.

Hạt tiêu nói riêng và ngành gia vị nói chung được đánh giá thuộc Top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU. Để thúc đẩy xuất khẩu sang EU và hưởng lợi từ EVFTA, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành hàng hạt tiêu cần quan tâm thực cải thiện thực hành bền vững để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về thương mại và phát triển bền vững của hiệp định.

Dư địa cho ngành hàng hạt tiêu tại thị trường EU còn rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn những lĩnh vực cần cải thiện như đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm hay tính bền vững cũng như các chứng nhận sản phẩm. 

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định tại một số địa phương, giao dịch từ 59.500 - 62.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 59.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (60.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (60.500 đồng/kg); Bình Phước (61.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 62.000 đồng/kg.

Như vậy, tổng kết tuần qua, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg ở Đồng Nai, Bình Phước; giảm 1.500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu; trong khi đó Gia Lai mất giá nhiều nhất với 2.000 đồng/kg.

Thị trường nội địa đang đứng trước nguy cơ bán ồ ạt khi giá hạt tiêu vừa thủng mốc 60.000 đồng/kg. Nhu cầu nhập tiêu của Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng khiến cho giá tiêu trong nước liên tục giảm.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng vào những thị trường tiềm năng khác, chú trọng khu vực Đông Bắc Á và châu Âu...

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục