"3 tại chỗ" là gì và kinh nghiệm "vàng" chống dịch tại các KCN ở Bắc Giang

31/07/2021 16:37 GMT+7
Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện phương châm "3 tại chỗ" "1 cung đường 2 địa điểm".

"3 tại chỗ" là gì?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/07/2021.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác phòng chống dịch, truy vết F0 ra khỏi cộng đồng, nhiều địa phương đã có những biện pháp MẠNH, đó là thực hiện "3 tại chỗ" đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Long An… và yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nếu không đáp ứng "3 tại chỗ" thì phải dừng hoạt động.

Vậy "3 tại chỗ" là gì, áp dụng như thế nào, doanh nghiệp không đáp ứng "3 tại chỗ" thì phải dừng hoạt động?

"3 tại chỗ" là gì và kinh nghiệm "vàng" chống dịch tại các KCN ở Bắc Giang - Ảnh 1.

3 tại chỗ" là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ. Ảnh Báo Bắc Giang

Ngày 14/7/2021, Bộ Lao Động – Thương Binh Và Xã Hội – Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam đã có Công văn 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó cũng có nội dung liên quan đến mô hình "3 tại chỗ".

Theo đó, Công văn nêu trên hướng dẫn, khuyến nghị đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện "3 tại chỗ" (tức là sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ – nghỉ tại chỗ) và phải đảm bảo các yêu cầu về:

Phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn;

Đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung) theo quy định

Đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.

 1 cung đường 2 địa điểm là gì?

1 cung đường trong tình hình phòng chống dịch hiện nay có thể hiểu là: 1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc. 2 địa điểm ở đây chính là nơi ở của công nhân và nơi sản xuất, nhà máy của doanh nghiệp.

Như vậy để sản xuất an toàn trong tình hình đại dịch Covid đang gia tăng trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, các doanh nghiệp cần thực hiện quy trình khép kín 3 tại chỗ 1 cung đường 2 địa điểm để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như đảm bảo tiến độ sản xuất của công ty.

Không thực hiện được 3 tại chỗ, bị xử lý như thế nào?

Việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" hay "3 cùng" như vừa nêu trên, hay "hai địa điểm, một con đường" là các biện pháp góp phần giúp cho các đơn vị sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng đồng thời vẫn duy trì được việc sản xuất, đảm bảo cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng.

Trường hợp các đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc danh mục được tiếp tục hoạt động khi đang áp dụng Chỉ thị 16 nhưng không thực hiện "3 tại chỗ" theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì có thể bị coi là không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và có thể bị phạt theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với mức phạt tiền lên đến 20 triệu đồng và theo Chỉ thị 16, đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh đó sẽ bị yêu cầu ngừng hoạt động.

Người lao động, công nhân đi làm việc tại đơn vị tổ chức sản xuất kinh doanh đã bị yêu cầu ngừng hoạt động thì có thể bị coi là ra đường không có lý do chính đáng, vi phạm chính sách giãn cách xã hội mà địa phương đang áp dụng theo chỉ thị 16, mức phạt tiền cho hành vi này là từ 1 – 3 triệu đồng theo điểm a, khoản 1, điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Kiểm soát được dịch mới thực hiện "3 tại chỗ"

Cách đây hơn 1 tháng, Bắc Giang và Bắc Ninh triển khai "3 tại chỗ" cũng trong bối cảnh dịch phức tạp. Tuy vậy, mô hình đã được triển khai thành công ở 2 tỉnh này, đến nay cơ bản kiểm soát được ca F0 và 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho rằng cách thức áp dụng "3 tại chỗ" của mỗi địa phương khác nhau là nguyên nhân quyết định cho hiệu quả mô hình này.

Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp chỉ được áp dụng "3 tại chỗ" khi tình hình dịch đã kiểm soát được phần nào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực.

Thực tế ngay khi dịch xảy ra, tỉnh này cũng phải chấp nhận cho công nhân nghỉ làm, nhà máy dừng sản xuất để ưu tiên nhiệm vụ hàng đầu là dập dịch, kiểm soát nguồn lây.

Tại Bắc Giang, các doanh nghiệp chỉ được áp dụng "3 tại chỗ" khi tình hình dịch đã kiểm soát được phần nào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực. Ảnh Báo Bắc Giang

Đặc biệt, để khoanh vùng, truy vết, Ban Quản lý đã xác định 3 nơi lây dịch mạnh nhất là khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân, nơi ăn của công nhân (bếp ăn tập thể, quán xá bên ngoài…), thứ tư mới là nhà xưởng vì nhà xưởng từ trước khi có dịch đã chấp hành tương đối tốt các biện pháp phòng, chống như đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế, giữ khoảng cách...

Để đối phó với dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang tập trung kết hợp "3 cùng" với "3 tại chỗ" (cùng ở, cùng ăn, cùng làm; ăn tại chỗ, ở tại chỗ, làm việc tại chỗ) để hạn chế thấp nhất "vết loang" dịch bệnh. Mỗi ghế ngồi đều gắn tên của từng người lao động và hằng ngày người lao động ngồi đúng vị trí ấy, nếu doanh nghiệp nào đông người có thể chia thành các ca ăn cách nhau để bảo đảm khoảng cách. Bàn ăn chỉ duy trì 3 người, thậm chí 1 người ngồi; tất cả bàn ăn đều có vách ngăn. Nơi ở cũng phải chia nhỏ để bảo đảm khoảng cách, tránh tiếp xúc giữa các công nhân…

Theo ông Ngọc, khi dịch cơ bản kiểm soát ổn định mới tính đến sản xuất. Mọi bước đi đều làm thận trọng, đáp ứng đủ điều kiện mới cho vận hành. Ông Ngọc nói thêm là các khu công nghiệp phía Bắc có điều kiện thuận lợi hơn là mức độ tập trung (nhà máy, công nhân) cao hơn.

 Tại các tỉnh phía Nam, cách áp dụng "3 tại chỗ" lại ngược lại. Bởi khi các ca lây nhiễm tăng mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn, thì tại các nhà máy với quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng '3 tại chỗ' gặp rất nhiều rủi ro.

Ông Ngọc cho biết bài học của Bắc Giang là "chỉ sản xuất khi đảm bảo an toàn", trên cơ sở xây dựng các bộ tiêu chí về sản xuất, nhà ở cho công nhân phù hợp với địa bàn.

"Quan trọng là phải đánh giá được mức độ dịch trong khu công nghiệp, nhà máy, trên cơ sở xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc trong khu công nghiệp để từ đó đưa ra giải pháp", ông Ngọc nói.

Theo cách này, Bắc Ninh đã dồn mọi lực lượng để thực hiện kiểm tra dịch tễ cho trên 132.000 lao động chỉ trong 5 ngày.

Sau khi đảm bảo các điều kiện "3 tại chỗ", công nhân được vào nhà máy đi làm, nhưng sẽ phải kiểm tra xét nghiệm tầm soát liên tục để phân loại tiếp, dần dần mới tăng công suất.


An Vũ
Cùng chuyên mục