4 năm xoay trục thân Trung Quốc, Philippines ngậm ngùi ôm trái đắng
Xoay trục thân Trung Quốc, đổi lấy những dự án "bánh vẽ"
Bất chấp sự phản đối và chỉ trích trong nước về chính sách thân Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn xây dựng chiến lược kinh tế xoay quanh các chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” (BBB) mà phần lớn được hứa hẹn tài trợ bởi Bắc Kinh. Chương trình BBB này gồm khoảng 20.000 dự án cơ sở hạ tầng từ sân bay, cảng biển cho đến đường cao tốc. Với lời cam kết của Bắc Kinh, ông Duterte kỳ vọng sẽ đưa Philippines vào một kỷ nguyên vàng son của cơ sở hạ tầng hiện đại hóa.
Trung Quốc cam kết cho Philippines khoảng 24 tỷ USD các khoản vay và đầu tư. Nhưng cho đến nay, khi nhiệm kỳ của ông Duterte đã trôi qua 4 năm, chưa đầy 5% trong cam kết của chính quyền ông Tập Cận Bình đã trở thành hiện thực.
Nhà phân tích chính trị Richard Heydarian nhận định: “Họ (Trung Quốc) đang xoay Duterte như chong chóng. Duterte đã làm rất nhiều cho Trung Quốc, nhưng đổi lại ông ta được gì? Thực tế cho đến tận lúc này, không có dự án cơ sở hạ tầng nào lớn ở Philippines nhận được tài trợ từ Trung Quốc”.
Một trong những dự án hiếm hoi được Trung Quốc tài trợ ở Manila là tổ hợp đập Kaliwa, bao gồm 3 con đập để điều tiết nước cho khoảng 17,5 triệu dân ở đô thị Metro Manila. Dự án đã được giao cho Tổng thầu Trung Quốc từ năm 2017 nhưng mãi tới cuối năm 2018 mới được Ngân hàng Trung Quốc ký thỏa thuận rót vốn. Cho tới nay, ngày khởi công dự án vẫn đang kéo dài do mối quan ngại nguy cơ đập thủy điện làm nhấn chìm vùng đất định cư của người bản địa Dumagat tỉnh Rizal.
Melody Alao, một hướng dẫn viên du lịch ở Rizal cho hay: “Dự án không chỉ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của những người phụ thuộc vào ngành du lịch địa phương như tôi, mà còn tác động đến hàng loạt ngành nghề khác như vận tải, nhà hàng, khách sạn… Chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài việc khiếu nại lên chính phủ”.
Leon Dulce, điều phối viên quốc gia tại Mạng lưới Người dân Kalikasan vì Môi trường cho rằng tác động môi trường từ dự án con đập Kaliwa lớn hơn nhiều so với những lợi ích tiềm năng. “Về cơ bản, dự án con đập này thực chất là một chiếc hộp Pandora ẩn chứa nhiều hiểm họa tiềm năng với người dân địa phương. Mối quan hệ thân Trung Quốc của ông Duterte thực chất đang biến người dân Philippines thành nạn nhân”.
Bẫy nợ chờ đợi Philippines, ông Duterte liệu có nghĩ lại?
Khi chính quyền Duterte vẫn dành sự ưu tiên cho các dự án như đập Kaliwa, các chuyên gia chỉ ra rằng các khoản vay mà Trung Quốc cho Philippines vay để tài trợ cho chiến lược BBB có lãi suất quá cao.
Trung Quốc lâu nay đã bị nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích do hành động gieo rắc bẫy nợ tại các nước nghèo thông qua tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và rồi đổi lấy các nhượng bộ, bành trướng quyền lực mềm khi các nước này mất khả năng trả nợ hoặc yêu cầu giảm nợ. Cụm từ “ngoại giao bẫy nợ” lần đầu được đưa ra vào đầu năm 2017 bởi chuyên gia Brahma Chellaney, cáo buộc Bắc Kinh “sử dụng công cụ kinh tế để thu về lợi thế địa chính trị” trong ngoại giao.
“Lợi nhuận luôn là điểm mấu chốt. Đó là lý do tại sao (Trung Quốc) theo đuổi dự án đập Kaliwa. Chúng ta có nguy cơ mất trắng những nguồn lực này vào tay Trung Quốc một khi mất khả năng trả nợ” - ông Leon Dulce cảnh báo.
Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề Hàng hải và Luật Biển (Đại học Philippines) cho rằng Philippines lẽ ra nên xem xét các phương án tài trợ khác thay vì chạy theo cam kết tài trợ của Trung Quốc. Ví dụ, các thỏa thuận vay từ Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể sẽ dễ dàng được xã hội chấp nhận hơn. Nhật Bản từng đề xuất cho Philippines một thỏa thuận vay để xây dựng đập thủy điện Kaliwa với tác động hạn chế về môi trường kèm theo chương trình phục hồi rừng sau dự án.
Ông Duterte từng kỳ vọng các dự án cơ sở hạ tầng cung cấp việc làm cho khoảng 21.000 người dân địa phương. Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nhà thầu Trung Quốc sẽ sử dụng lượng lớn công nhân Trung Quốc trong những dự án này. “Thực tế là các doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc sẽ được hưởng lợi chứ không phải người dân Philippines” - nhà phân tích chính trị Richard Heydarian cho hay.
Trong những tháng gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ Philippines đang chia rẽ trong định hướng xoay trục thân Trung Quốc của ông Duterte. Dư luận hiện cũng đang tạo áp lực yêu cầu ông Duterte cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng đã đến lúc ông Duterte thừa nhận rằng chính sách thân Trung Quốc của ông ấy đã “thất bại nặng nề”, để có phản ứng phù hợp. “Ông ấy cần các khoản vay, khoản đầu tư, viện trợ từ Trung Quốc. Nhưng đến nay, gần như không có khoản nào trong số đó trở thành hiện thực. Ông ấy cần nhận ra rằng nếu tình hình cứ tiếp tục như vậy, nó chỉ làm suy yếu thương hiệu chính trị của chính cá nhân ông và cả người kế nhiệm ông ấy trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2022”.
Khi người dân Philippines mất niềm tin vào chính sách xoay trục sang Bắc Kinh, Tổng thống Duterte giờ đây chỉ còn một quân bài cuối cùng để cứu vãn chính sách thân Trung Quốc của mình. Đó là hy vọng Trung Quốc cung cấp miễn phí vaccine Covid-19 cho Philippines.