70% doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ thông tin về CPTPP

03/07/2019 09:22 GMT+7
Sáng hôm qua, ngày 2/7/2019, Trung Ương Hội Nông Dân Việt Nam, Bộ Công Thương và báo Nông thôn ngày nay/Báo Dân Việt tổ chức hội thảo: “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”. Tại đây, các doanh nghiệp đã nêu lên những ý kiến của mình xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên có thể thấy phần lớn doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc thay đổi và thích ứng với hội nhập toàn cầu.

Đến tham dự hội thảo có sự góp mặt của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Công thương Việt Nam; ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc Hội.

Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện nông dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từ nhiều vùng miền trên cả nước, cùng đông đảo các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương.

Những cơ hội của các cam kết thương mại tự do thế hệ mới đối với ngành nông nghiệp Việt Nam

Khi Việt Nam gia nhập một liên minh quốc tế với những thỏa thuận bình đẳng, chúng ta sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, hoa quả, cà phê, thủy sản,… khi mức thuế bằng 0%, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với thị trường nội địa của các nước.

Ví dụ như đối với mặt hàng rau quả, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết mặt hàng hành tỏi, nấm, dưa chuột và các loại khác, và xóa bỏ thuế trong 5 năm đối với mặt hàng cà chua, khoai tây, ngô và đậu. Ngoài ra các mặt hàng để xuất khẩu sang các nước khác như gạo (sang Nhật Bản, Mexico, Malaysia), cà phê (Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản), cao su tự nhiên (Chi lê, EU),…

Tham gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới cũng giúp Việt Nam tiếp cận với những nền sản xuất tiên tiến, khi đó chúng ta có thể giải quyết được các vấn để trong sản xuất để sản phẩm có chất lượng tốt nhất và giá cả cạnh tranh nhất.

Ngoài ra, CPTPP giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam nhờ tiếp cận công nghệ, cải thiện năng lực quản lí và khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp. Từ đó cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là công nghệ chế biến.

Gia nhập CPTPP giúp Việt Nam có cơ hội học tập công nghệ chế biến của các nước phát triển

70% doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ thông tin về CPTPP

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu: “70% doanh nghiệp ít thông tin về hội nhập”. Khi thiếu thông tin, các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp thu cũng như triển khai được các ưu thế mà hiệp định đem lại. Bởi vậy trong buổi hội thảo, các doanh nghiệp đã có cơ hội để thể hiện những mong muốn, nguyện vọng cũng như thắc mắc của mình với bộ trưởng và các cơ quan ban ngành. Và trong quá trình khi bước ra sân chơi mới, doanh nghiệp sẽ luôn là lá cờ tiên phong trong mọi lĩnh vực, bởi đây chính là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ lớn mạnh nhất.

Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Dịu – Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải chia sẻ: “Qua hiệp định CPTPP, các hiệp hội nuôi tôm tại thành phố Quảng Ninh rất mừng, mong sao trong quá trình hội nhập sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm qua nước ngoài tốt hơn và được giá thành cao hơn. Bởi hiện tại khó khăn lớn nhất trong thị trường tôm là giá. Hiện tại giá tôm chỉ bằng 2/3 so với mọi năm, nguyên nhân chủ yếu do các nước không nhập khẩu.”. Đồng thời, chị cũng thể hiện những mong muốn của mình: “Qua đây cũng muốn xin ý kiến của các chuyên gia về nuôi tô, kĩ thuật nuôi, chất lượng đạt chuẩn để tôm có thể xuất khẩu thuận lợi sang thị trường nước ngoài”.

 

Bà Đặng Thị Dịu – Giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải 

Tuy nhiên thông tin về hiệp định cũng như các quy định cụ thể thì doanh nghiệp của chị nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung chưa nắm kĩ được. Bởi vậy đây có lẽ chính là rào cản đầu tiên và cũng là rào cản lớn nhất vì để triển khai được nghị định hay các quy định, các đơn vị liên quan cần nắm được những thuận lợi, khó khăn hay những lợi thế mà mình có thể khai thác được để có thể yên tâm sản xuất, ổn định tâm lí và sẵn sàng hội nhập.

Mai Trang
Cùng chuyên mục