8 tháng, xử lý hơn 570 vụ vi phạm xăng dầu, nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng

01/09/2023 12:48 GMT+7
Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 8 tháng qua đã xử lý hơn 570 vụ vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các Cục QLTT và Sở Công Thương các địa phương về việc cung ứng hàng hoá.

8 tháng, xử lý hơn 570 vụ vi phạm xăng dầu, nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng - Ảnh 1.

8 tháng qua, Quản lý thị trường đã xử lý hơn 570 vụ vi phạm lĩnh vực xăng dầu, nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng

Tại buổi làm việc này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, cho biết trong 8 tháng đầu năm, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn gia tăng.

"Các mặt hàng vi phạm này không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng ở nơi hẻo lánh, ở nhà riêng rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh. Hàng hoá được chuyển đến người tiêu dùng qua dịch vụ chuyển phát nhanh", ông Linh cho hay.

Tính chung trong 8 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện gần 38.000 vụ vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước hơn 340 tỷ đồng, chuyển Cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự.

Riêng đối với vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, đã xử lý 570 vụ, tổng số tiền xử phạt trên 21 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền; nhân viên không được tập huấn, đào tạo và cấp Giấy chứng nhận theo quy định...

Theo Bộ trưởng Diên, mục tiêu cao nhất của quản lý thị trường không phải là số liệu, số vụ kiểm tra mà là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Bộ trưởng đề nghị lực lượng này cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm đối với một số mặt hàng thiết yếu, trọng điểm như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, thuốc lá... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.

An Linh
Cùng chuyên mục