Ấn Độ có thể thử nghiệm đồng rupee kỹ thuật số vào cuối năm nay

28/08/2021 13:59 GMT+7
“Tôi nghĩ rằng vào cuối năm nay, chúng tôi có thể bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên (về đồng rupee kỹ thuật số)” - theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das mới đây trả lời tờ CNBC cho hay Ấn Độ có thể khởi động các chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số đầu tiên vào tháng 12 tới. Cùng với Ấn Độ, hàng loạt Ngân hàng Trung ương tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Vương quốc Anh và châu Âu cũng đang nghiên cứu thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số dành cho các ngân hàng thương mại hoặc công chúng.

Tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (gọi tắt là CBDC) được hiểu là phiên bản tiền điện tử của các loại tiền tệ pháp định. Trong trường hợp Ấn Độ, tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) phát hành sẽ có tên là đồng rupee số.

“Chúng tôi đang cực kỳ thận trọng về dự án này vì nó là sản phẩm hoàn toàn mới, không chỉ dành cho RBI mà còn có mối liên hệ mật thiết với toàn cầu” - ông Shaktikanta Das cho hay.

Ấn Độ có thể thử nghiệm đồng rupee kỹ thuật số vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Ấn Độ có thể khởi động thử nghiệm đồng rupee kỹ thuật số vào cuối năm nay (Ảnh: Regardnews)

RBI hiện đang nghiên cứu mọi khía cạnh của việc phát hành một loại tiền số như vậy, bao gồm tính bảo mật, tác động đến hệ thống tài chính Ấn Độ cũng như chính sách tiền tệ và đồng tiền pháp định đang lưu thông trong nền kinh tế.

Cũng theo ông Shaktikanta Das, RBI đang tìm hiểu các lựa chọn khác nhau rằng đồng rupee kỹ thuật số nên dựa trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hay sổ cái tập trung. DLT được hiểu là một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho phép nhiều người truy cập, chia sẻ và đồng thời ghi lại các giao dịch. Một trong những công dụng lớn nhất của DLT là đóng vai trò như một sổ cái lưu giữ hồ sơ các giao dịch. Trái ngược với DLT là sổ cái tập trung, nghĩa là cơ sở dữ liệu được sở hữu và vận hành bởi một thực thể duy nhất - trong trường hợp này là Ngân hàng Trung ương.

Ấn Độ có thể khởi động thử nghiệm đồng rupee kỹ thuật số vào cuối năm nay

Hồi tháng trước, Phó Thống đốc RBI Rabi Shankar cũng tiết lộ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đang làm việc để hướng tới một chiến lược triển khai dự án tiền kỹ thuật số theo từng giai đoạn.

Không riêng Ấn Độ, nhiều Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu cũng đang xem xét dự án triển khai tiền kỹ thuật số khi mối quan tâm của thị trường với các loại tiền điện tử như bitcoin ngày một tăng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang tiên phong trong việc phát triển đồng tệ số với việc triển khai các thử nghiệm thực tế quy mô lớn tại hàng loạt thành phố, đô thị trên cả nước. Sách trắng do PBoC công bố gần đây cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 20,8 triệu cá nhân mở ví lưu trữ tiền Nhân dân tệ số (gọi tắt là e-CNY) với tổng cộng hơn 70,7 triệu giao dịch. Khối lượng giao dịch ước tính đạt 34,5 tỷ Nhân dân tệ (5,3 tỷ USD). PBoC sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm và phát triển hệ thống vận hành giao dịch, nhưng chưa rõ bao giờ Trung Quốc sẽ chính thức triển khai dự án này trên phạm vi toàn quốc. 

Với tiến triển như vậy, Trung Quốc có thể sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới phát hành phiên bản kỹ thuật số của nội tệ trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh chóng. Không giống như các loại tiền điện tử như Bitcoin, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Trung ương và giá trị thực của nó sẽ ổn định như giá đồng Nhân dân tệ vật lý. Ngoài ra, đồng tệ số không có tính ẩn danh như các đồng tiền ảo khác đang lưu hành trên thị trường, chẳng hạn bitcoin hay ether.

Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang xem xét các đồng tiền kỹ thuật số tương ứng.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Fed tỏ ra thận trọng hơn. Một trong những nguyên nhân chính khiến nghiên cứu đồng tiền số ở Mỹ tiến triển chậm là do vấn đề quyền riêng tư vốn được quan tâm rộng rãi tại quốc gia này. Neha Narula, giám đốc Sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số tại Phòng thí nghiệm truyền thông MIT của Mỹ cho hay: “Tôi nghĩ trong trường hợp áp dụng đồng USD kỹ thuật số, quyền riêng tư sẽ là một yếu tố rất quan trọng. Đó là sự khác biệt cốt lõi so với Trung Quốc”.

Nhìn chung việc các quan chức Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung cần phải đảm bảo những lo ngại về quyền riêng tư sẽ làm phức tạp thêm sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số CBDC. Trong khi đó tại Trung Quốc, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong vấn đề quyền riêng tư mang đến cho nước này lợi thế cạnh tranh lớn về thời gian.


NTTD
Cùng chuyên mục