An Giang kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu gạo
Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo sát sao. Các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ nên công tác kiểm soát dịch đảm bảo an toàn.
Mặc dù An Giang chưa có ca nhiễm COVID-19 nhưng tỉnh không chủ quan, không lơ là và đang triển khai công tác phòng chống dịch ở mức độ cao hơn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, do ảnh hưởng dịch COVID-19, du lịch là ngành trọng điểm nhưng từ đầu năm đến nay lượng khách du lịch và lưu trú tại An Giang đều giảm. Việc này kéo theo nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch, thương mại hàng hóa… gặp khó khăn, đặc biệt ở những địa bàn du lịch trọng điểm, một số công ty du lịch lớn cũng tạm thời dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản, may mặc, da giày… gặp khó khăn. Nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động tạm thời, giảm giờ làm và ngày công lao động, cho người lao động tạm nghỉ việc hưởng lương...
Hiện nay, đã có 14 doanh nghiệp báo cáo tạm dừng và cắt giảm giờ làm, với khoảng 15.795 lao động và có 2.463 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình còn kiến nghị Thủ tướng về việc cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo.
Theo ông Bình, tỉnh An Giang có diện tích gieo trồng nếp hàng năm khoảng 115.000 ha, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa Japonica, sản lượng 75.000 tấn lúa/năm. Hai sản phẩm này chủ yếu là xuất khẩu, từ nhiều năm nay nông dân và doanh nghiệp đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ có hiệu quả.
“Tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng cho phép doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo. Trong đó ưu tiên cho xuất khẩu sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng và giữ ổn định giá lúa trên thị trường”- Chủ tịch UBND An Giang kiến nghị.
Thông tin thêm, ông Bình cho biết đến hết tháng 4-2020, toàn tỉnh có khoảng 48.475 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD (giá xuất khẩu bình quân 487 USD/tấn) của 16/18 doanh nghiệp. Trường hợp tiếp tục tạm dừng đến tháng 5-2020 thì tiếp tục có khoảng 33.800 tấn gạo không xuất được. Như vậy toàn tỉnh An Giang sẽ còn khoảng 82.275 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký.
Năm 2020, lượng lúa gạo sẽ sản xuất trên địa bàn tỉnh khoảng 4 triệu tấn lúa (khoảng 2 triệu tấn gạo). Do đó, An Giang kiến nghị Thủ tướng căn cứ yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà có chủ trương cho xuất khẩu gạo phù hợp.