An ninh lương thực Nam Á bị đe dọa bởi "binh đoàn" châu chấu
Khoảng 12 triệu người ở Ethiopia, Somalia và Kenya đang đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực, theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ (FAO). Chính phủ Somalia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lương thực vào tháng trước.Trong cùng tháng, Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng cảnh báo một tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến bảo vệ mùa màng và nông dân khỏi thiệt hại từ nạn châu chấu
“Binh đoàn châu chấu” đã tiến đến các vùng sa mạc giáp Ấn Độ và Pakistan từ tháng 8/2019, theo báo cáo của FAO. Số lượng cá thể trong đàn châu chấu lên tới 10 tỷ con, đủ để phủ kín bầu trời các ngôi làng khu vực này như những đám mây đen đặc.
Tại Pakistan, đàn châu chấu đang phá hủy hàng loạt hoa màu như lúa mì, bông và cà chua, đẩy giá lương thực tăng vọt.
Tại Ấn Độ, chỉ tính riêng bang Gujarat, nạn châu chấu đã làm thiệt hại tới 10.700 ha hoa màu trong tháng 12/2019, chủ yếu là các cánh đồng thì là.
Ethiopia và Somalia cũng báo cáo những thiệt hại do nạn châu chấu lớn nhất trong 25 trở lại đây.
Kenya là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bầy châu chấu hơn 200 tỷ con đang phá hoại những đồng cỏ và hoa màu trong một phạm vi lên tới 2.400 km2. Theo ước tính của các chuyên gia nông nghiệp, đàn châu chấu 200 tỷ con có khả năng quét sạch số lương thực đủ để nuôi sống 84 triệu người.
Đàn châu chấu áp sát Trung Quốc cũng khiến Bắc Kinh quan ngại. Châu chấu có khả năng tiến vào Tây Tạng từ biên giới Pakistan và Ấn Độ, hoặc tỉnh Vân Nam qua cửa ngõ Myanmar, hay phía Tây Tân Cương qua biên giới Kazakhstan. Chính phủ Trung Quốc đã phải lập cơ quan phản ứng nhanh với nạn châu chấu đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng hộ để đối phó với nạn dịch ngay khi xuất hiện những nguy cơ.
Công tác giám sát và theo dõi nguy cơ châu chấu cũng đang được đẩy mạnh tại khu vực biên giới, các trạm kiểm soát hải quan, theo nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc. Tại Khunjerab, một đoạn đường đèo nằm giữa biên Trung Quốc và Pakistan, phía tây nam Tân Cương, các tổ giám sát trong một khu vực phạm vi 2km đã được lập để theo dõi đàn châu chấu. Giới chức địa phương còn kiểm tra mẫu đất và thực vật để phát hiện châu chấu và trứng châu chấu nhằm đưa ra những cảnh báo sớm nhất cho người dân.
Nguyên nhân chính tạo nên những đàn châu chấu khổng lồ có sức phá hoại lớn như vậy là do lượng mưa bất hợp lý tại các sa mạc Đông Phi trong những năm gần đây tạo thành điều kiện sản sinh lý tưởng cho bầy đàn châu chấu.
Shakeel Khan, chuyên gia đầu ngành của FAO ở Pakistan cho hay sự nóng lên toàn cầu đã kéo dài thời gian sinh sản của loài châu chấu, dẫn đến gia tăng số lượng cá thể trong đàn, gia tăng thiệt hại ở quy mô chưa từng có. Thêm vào đó, nội chiến và tình hình tài chính cạn kiệt trong nước đã làm suy yếu khả năng kiểm soát nạn châu chấu của Pakistan.
Đàn châu chấu có thể di chuyển 150km mỗi ngày, làm gia tăng nguy cơ châu chấu xâm nhập Arab Saudi, Iran, Yemen và nhiều quốc gia khác, tờ Reuters đưa tin.
Còn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Mỹ FAO cảnh báo nếu không được kiểm soát trong thời gian sớm nhất, số cá thể trong bầy châu chấu có thể tăng mạnh 500 lần vào tháng 6 và phá hoại lượng lớn hoa màu ở Đông Phi, khiến khu vực này đối diện với nguy cơ mất cân bằng an ninh lương thực. Tổ chức này đang kêu gọi các khoản hỗ trợ 138 triệu USD để chống lại nạn châu chấu cũng như hỗ trợ nguồn lương thực thực phẩm tại các vùng bị châu chấu phá hoại như Nam Á; đặc biệt là Đông Phi, khu vực vốn phải đối mặt với nhiều thiên tai như hạn hán, lũ lụt trong những năm gần đây.