Nông dân Trung Quốc khốn khổ vì dịch virus corona chưa qua, nạn châu chấu lại tới

02/03/2020 16:53 GMT+7
Khi những khó khăn do dịch virus corona mang đến chưa được giải quyết, chính quyền Trung Quốc mới đây lại cảnh báo người dân về nguy cơ nước này phải đối mặt với một “cuộc xâm lược” của châu chấu từ hai nước láng giềng là Pakistan và Ấn Độ.

Nông dân Trung Quốc lao đao vì dịch virus corona

Nông dân Trung Quốc khốn khổ: dịch virus corona chưa qua, nạn châu chấu phá hoại lại tới - Ảnh 1.

Người nông dân Trung Quốc phải tiêu hủy hàng triệu tấn rau sạch vì dịch virus corona

Jiang Junsheng, chủ một trang trại ở Ruzhou, Hà Nam, miền trung Trung Quốc đang nghiền hàng tấn tỏi thành phân bón khi lượng hàng tồn kho quá lớn và không thể bảo quản. Dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc đã làm hàng ngàn khu chợ phải đóng cửa, khiến nông sản của ông Jiang không tìm được đầu ra. Ngoài tỏi, ông Jiang còn phải tìm cách xử lý nhiều tấn khoai lang, cải bắp và rau khác, thiệt hại gần 40.000 NDT chỉ trong 3 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Jiang Junsheng đã cố gắng giảm một nửa giá cho những loại rau, nông sản sạch chất lượng hàng đầu của mình nhưng gần như không bán được gì thêm kể từ tháng trước. Chính phủ Trung Quốc khi đó đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh như đóng cửa hàng loạt chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và địa điểm công cộng, hạn chế người dân di chuyển, cấm các phương tiện ở nhiều thành phố dịch bệnh bùng phát. Mạng lưới giao thông đình trệ đã khiến nông sản tồn trong các trang trại, không thể phân phối đến người mua. 

“Trang trại chúng tôi sử dụng phương pháp trồng rau hữu cơ, phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ giao hàng để phân phối sản phẩm tới các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi có nhu cầu lớn về thực phẩm sạch. Nhưng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, hạn chế giao thông đã khiến việc giao hàng ngừng trệ hoàn toàn. Ngay chính tại tỉnh Hà Nam, xe cộ thậm chí không thể qua lại giữa các làng, các thị trấn do lệnh hạn chế của chính quyền” - ông Jiang chia sẻ với tờ South China Morning Post.

“Một số tuyến đường đã được phép lưu thông và nhiều công ty giao hàng đã hoạt động trở lại trong tuần này, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để chuỗi cung ứng giao nhận hồi phục hoàn toàn và vận hành ổn định” - chủ trang trại nói thêm.

Công ty tư vấn BRIC Agri-Info Group có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính rằng trên khắp Trung Quốc đại lục, người nông dân đã thiệt hại khoảng 3 triệu tấn nông sản do gián đoạn trong chuỗi cung ứng vận chuyển. Các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp cũng gánh chịu thiệt hại khi đối diện với tình trạng thiếu hụt người lao động trong trang trại, tương tự như những gì các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc đang gặp phải.

Bên cạnh trang trại rau sạch, những hộ chăn nuôi gia cầm cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch virus corona, theo các nhà chức trách.

Nông dân Trung Quốc khốn khổ: dịch virus corona chưa qua, nạn châu chấu phá hoại lại tới - Ảnh 3.

Dịch virus corona tàn phá ngành chăn nuôi gia cầm tại Trung Quốc

Tại quận Pingyang thuộc tỉnh miền đông Chiết Giang, ông Xie Chuanzao cho biết gia đình ông đã mất hàng trăm nghìn NDT vì không bán được gà khi chuỗi cung ứng vận chuyển và mạng lưới siêu thị, chợ đóng cửa hàng loạt. Ông Xie hiện sở hữu một trang trại với quy mô 20.000 con gà. Ông thậm chí còn tốn nhiều tiền thức ăn chăn nuôi để nuôi số gà trưởng thành cho đến khi bán được.

“Trong tháng qua, khoảng nửa đàn gà đã đạt đến trọng lượng giết mổ nhưng tôi phải tiếp tục nuôi chúng. Không còn cách nào khác, các tuyến đường giao hàng đã bị chặn, các chợ bán hàng thì đóng cửa” - ông Xie Chuanzao tâm sự. Cho đến vài ngày trước, khi các tuyến đường được phép lưu thông trở lại, ông Xie mới bắt đầu bán được một số gà. Nhưng ông buộc phải tăng giá bán vì chi phí sản xuất tăng lên: ông phải trả nhiều tiền hơn để thuê lao động địa phương thay cho những lao động nhập cư phải cách ly bắt buộc 14 ngày, chưa thể quay lại sản xuất. 

Chỉ riêng ở An Huy, một trong năm tỉnh sản xuất gia cầm hàng đầu của Trung Quốc ước tính thiệt hại 900 triệu NDT cho ngành chăn nuôi gia cầm kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi cuối tháng 1 đến nay. Thiệt hại này tính cả hàng chục ngàn con gia cầm bị chết do không đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi kịp thời khi các tuyến đường bị phong tỏa. 

Xiangan, một trong bốn khu vực trồng cà rốt lớn nhất Trung Quốc sử dụng chủ yếu lao động nhập cư từ quận Lương Sơn của Tứ Xuyên. Lương Sơn cũng là một trong những khu vực nghèo đói nhất Trung Quốc. Nhưng giờ đây, khi dịch bệnh bùng phát, phần lớn họ không thể trở lại kịp mùa vụ thu hoạch. “Họ bị mắc kẹt tại nhà vì dịch bệnh. Chính quyền yêu cầu nộp đơn xin phép trước khi di chuyển trở lại trang trại, nhưng hầu hết họ không biết chữ” - Peng Aihua, chủ một công ty tuyển dụng lao động ở Hạ Môn, Phúc Kiến cho hay. 

Rõ ràng, dịch virus corona đã giáng một đòn mạnh mẽ vào vùng nông thôn Trung Quốc, nơi tập trung phần lớn người nghèo, người thu nhập thấp của đất nước này. 

Dịch virus corona chưa qua, nguy cơ châu chấu phá hoại mùa màng lại tới

Khi những khó khăn do dịch virus corona mang đến chưa được giải quyết, chính quyền Trung Quốc mới đây lại cảnh báo người dân về nguy cơ nước này phải đối mặt với một “cuộc xâm lược” của châu chấu từ hai nước láng giềng là Pakistan và Ấn Độ. 

Nông dân Trung Quốc khốn khổ: dịch virus corona chưa qua, nạn châu chấu phá hoại lại tới - Ảnh 4.

Đàn châu chấu khổng lồ từ phía Đông Châu Phi có nguy cơ xâm nhập Trung Quốc

“Nguy cơ châu chấu xâm nhập vào Trung Quốc là rất thấp”, Cơ quan Quản lý Nông Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố trên trang web chính thức. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cảnh báo về rủi ro như vậy để chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với loại côn trùng phá hoại mùa màng này.

Các đàn châu chấu khổng lồ có thể xâm nhập vào Tây Tạng từ Pakistan và Ấn Độ, hoặc tỉnh Vân Nam qua cửa ngõ Myanmar, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu. Phía Tây Tân Cương cũng có nguy cơ phải đối phó với những đàn châu chấu bay qua biên giới Kazakhstan.

Những đàn châu chấu đã tàn phá đồng cỏ và hoa màu ở nhiều quốc gia phía Đông Châu Phi trước khi lan sang Ấn Độ và Pakistan. Chúng có thể bay với tốc độ 150km/ ngày với điều kiện thuận hướng gió. Một con châu chấu có khả năng tiêu thụ số hoa màu, cỏ ngang bằng với trọng lượng của chúng mỗi ngày.

Chính phủ Bắc Kinh cho hay nước này đã thành lập một đội đặc nhiệm theo dõi và phản ứng nhanh trước bất cứ nguy cơ nào mà đàn châu chấu mang đến cho người nông dân nước này. Các chính quyền địa phương những khu vực như Tân Cương, Vân Nam… cũng được tuyên truyền có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của công tác phòng chống và kiểm soát nạn châu chấu, như tích trữ thuốc trừ sâu, thiết bị diệt châu chấu…

Thùy Dung
Cùng chuyên mục