Ăn theo giá thịt lợn, nhiều thực phẩm, hàng quán tăng giá
Trước áp lực giá thịt lợn "leo thang", nhiều cửa hàng ăn như bánh mỳ, bún chả nướng, lẩu, nướng… hoặc các cơ sở chế biến sản phẩm từ thịt lợn liên tục tăng giá bán.
Những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn, liên tục điều chỉnh giá với mức tăng phổ biến vào khoảng 5.000-10.000 đồng/suất. Cụ thể, bánh cuốn tăng khoảng 5.000 đồng/suất; bánh mỳ pate chả ở mức 15.000 đồng/chiếc nay tăng giá lên 20.000-25.000 đồng/chiếc; bún đậu đang có giá 25.000 đồng/suất nay cũng tăng giá lên 30.000-35.000 đồng/suất...
Theo chị Hương, chủ một quán bánh mỳ trên đường Nguyễn Tuân cho hay, hơn 1 tháng trở lại đây, giá thịt lợn tăng nhanh khiến công việc của chị gặp nhiều xáo trộn. Nguyên nhân là do các nguyên liệu từ thịt lợn như thịt ba chỉ, pate, thịt băm, chả… liên tục điều chỉnh giá nên chị đành phải tăng theo.
"Tôi mới nâng giá lên mấy ngày gần đây thôi. Thật ra bán bánh mỳ cho học sinh, sinh viên là chính nên không muốn tăng giá đâu, nhưng mấy ngày trước giá thịt lợn tăng cao quá thì hết chịu nổi. Không tăng giá thì lỗ mất." chị Hương chia sẻ.
Về các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, theo chủ một cửa hàng giò chả trên đường Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, do giá thịt tăng mạnh đã kéo theo giá giò chả tăng "phi mã" theo. Cụ thể, giá giò lụa từ 130.000 đồng/kg lên mức 150.000 đồng/kg và hiện tại là 200.000 đồng/kg, giá giò tai nấm từ 150.000 đồng/kg tăng lên 220.000 đồng/kg.
Cũng theo chia sẻ của chủ cửa hàng này, gần 1 tháng nay, các cửa hàng bán giò chả luôn phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm. Nhiều nhà hàng, khách sạn vốn là đầu mối tiêu thụ lớn đồng loạt thông báo cắt giảm số lượng, khách mua nhỏ lẻ cũng ngày một thưa thớt do giá cao.
Không chỉ thịt lợn và các sản phẩm liên quan, hiện nay, tại các chợ truyền thống và siêu thị như Big C, Vinmart, Coo.mart giá thịt bò và gà cũng tăng cao với mức tăng khoảng 20% so với cuối tháng 11.
Cụ thể, tại các chợ truyền thống, gà ta có mức giá từ 120.000 -140.000đồng/kg, gà công nghiệp cũng tăng lên mức 80.000 – 85.000 đồng/kg. Tại siêu thị, giá gà ta 1/2 con hiện đang ở mức 92.500 đồng/kg; cánh gà công nghiệp 48.900 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 48.500 đồng/kg, cánh gà là 87.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp 110.000 đồng/kg, má đùi gà công nghiệp PC 73.000 đồng/kg, phi lê gà công nghiệp 82.000 đồng/kg…
Về thịt bò cũng ghi nhận mức tăng giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg ở cả phân khúc thịt nhập khẩu và thịt bò trong nước. Cụ thể, phi lê bò nội 280.000 đồng lên 290.000 đồng/kg, bò đùi từ 240.000 đồng lên 250.000 đồng/kg, bò gân 200.000 đồng lên 210.000 đồng/kg.
Đại diện hệ thống siêu thị Coo.mart cho biết: "Hiện các loại thịt bò nhập khẩu cũng điều chỉnh tăng giá, chẳng hạn thịt phi lê bò Australia từ 380.000 đồng/kg lên 400.000 đồng/kg, thịt đùi từ 330.000 đồng lên 350.000 đồng/kg, thịt thăn từ 350.000 đồng lên 367.000 đồng/kg...
Ngoài ra, một số loại thủy sản cũng đang trong tình trạng tăng giá nhẹ. Chẳng hạn, tùy kích thước tôm sú có giá từ 190.000 - 210.000 đồng/kg tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg, cá điêu hồng thêm 5.000 đồng lên 65.000/kg. Các loại cá biển cũng đồng loạt tăng thêm 10.000 -20.000đồng/kg, cá thu nguyên con tăng từ 210.000 đồng/kg lên 240.000 đồng/kg..."
Theo nhiều tiểu thương đánh giá, nguyên nhân khiến thịt bò, gia cầm, thủy hải sản tăng giá là do trong 2 tuần qua thịt lợn tăng giá cao đột biến. Những loại mặt hàng thực phẩm thay thế như thịt bò, gia cầm và thủy hải sản tăng từ 5 - 10% so với trước.
Trong đó, một số mặt hàng được mua nhiều hơn nhằm phục vụ cho việc tích trữ, chế biến thực phẩm phục vụ mùa Tết khiến nguồn cung hiện tại bị giảm. Ngoài ra, các chi phí đầu vào cùng nhu cầu tiêu dùng cận Tết tăng cao cũng góp phần đẩy giá những mặt hàng này.
Trước tình trạng giá thịt lợn tăng "chóng mặt", mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái đàn lợn, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bên cạnh việc duy trì đàn lợn cụ kỵ, ông bà 109.000 con, công tác điều tiết thị trường, tránh tình trạng "găm hàng thổi giá" cũng cần đẩy mạnh.
"Việc đưa giá lên cao quá mức sẽ "gậy ông đập lưng ông". Nếu giá cao quá, người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, lựa chọn thực phẩm khác, hoặc nguồn hàng nhập khẩu sẽ tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.