Angimex: Mở rộng vùng nguyên liệu tại An Giang, đảm bảo sản lượng xuất khẩu các đơn hàng lớn

24/06/2022 12:36 GMT+7
Việc hợp tác này sẽ giúp Angimex mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu trồng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi cao về mặt số lượng lẫn chất lượng, nâng cao năng suất và giá trị hạt gạo của An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Sáng 24/6/2022, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, Hose: AGM) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở NN&PTNT An Giang về việc phối hợp thực hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025. 

Tăng diện tích liên kết canh tác sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

Theo thỏa thuận hợp tác, Angimex sẽ triển khai kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ cụ thể hàng vụ, hàng năm về nhu cầu diện tích, sản lượng liên kết, chính sách thu mua, tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại giống và phương thức thu mua với các hộ nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở “Chiến lược phát triển vùng nguyên liệu từ năm 2022-2025” do Sở NN&PTNT An Giang chủ trì, Angimex đặt mục tiêu mở rộng diện tích liên kết canh tác sản xuất tăng luỹ tiến qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 sẽ đạt 20.000 ha, năm 2023 sẽ đạt 50.000 ha, năm 2024 sẽ đạt 55.000 ha và năm 2025 sẽ đạt 60.000 ha.

Angimex: Mở rộng vùng nguyên liệu tại An Giang, đảm bảo sản lượng xuất khẩu các đơn hàng lớn - Ảnh 1.

Angimex ký kết hợp tác với Sở NN&PTNT An Giang về việc phối hợp thực hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025. Ảnh AGM

Chuỗi liên kết canh tác sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang theo mô hình do Angimex đề xuất thực hiện sẽ mang tính bền vững, trong đó thực hiện mô hình dịch vụ nông nghiệp kỹ thuật gồm: dịch vụ về giống, dịch vụ về đồng ruộng, dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch và dịch vụ chế biến, bao tiêu đầu ra.

Các giống lúa chủ lực trong kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu của Angimex bao gồm: Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM18, OM 5451, IR50404, Japonica DS1. Đây là những giống lúa chủ đạo trong hoạt động xuất khẩu của Angimex nói riêng và gạo Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, cùng với sự hợp tác nghiên cứu cùng các đơn vị chuyên môn, Angimex sẽ mang đến các giống lúa mới, phù hợp thổ nhưỡng, chống chịu thời tiết, sâu bệnh, đạt năng suất cao, gia tăng giá trị cho bà con nông dân.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Huỳnh Thanh Tùng – Tổng Giám Đốc Angimex cho biết: “Việc hợp tác với Sở NN & PTNT tỉnh An Giang là tiền đề quan trọng giúp Angimex thúc đẩy sản lượng xuất khẩu gạo của đơn vị, đảm bảo cam kết về nguồn cung cho các đơn hàng lớn đã ký kết”.

Với hệ sinh thái chăm sóc cây lúa toàn diện bao gồm Angimex – Dasco – Agritech cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn cho bà con nông dân trong suốt quá trình canh tác và thu hoạch, Angimex cam kết tiếp tục cùng bà con nông dân sản xuất, canh tác bền vững thông qua ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để gia tăng năng suất, nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí và cải thiện đời sống người nông dân - đại diện Angimex cho biết thêm.

Tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ cũng như tác động tiêu cực từ biến động giá đầu vào cùng chi phí vận chuyển, giá cước tàu biển, thuê vỏ container... khiến gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

 Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 lại cho tín hiệu tích cực. Với giá trị đạt 386 triệu USD và khối lượng xuất khẩu gạo đạt 800.000 tấn, đã giúp đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,86 triệu tấn và 1,39 tỉ USD, tăng 10,3% về khối lượng. Trong khi đó, bình quân 4 tháng đầu năm mỗi tháng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo. Đây là mức tăng ấn tượng bất chấp nhiều khó khăn chung trên thị trường.

Trước tình hình lũ lụt tại Trung Quốc và nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh thì dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc. Trên cơ sở nhận định tình hình biến động mạnh của nhu cầu gạo trên toàn cầu, Bộ Công Thương dự báo: xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt trên 6,4 triệu tấn, cao hơn 200.000-300.000 tấn so với năm 2021.

Về phía Angimex, tổng sản lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt gần 140.000 tấn và doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, tháng 4 và tháng 5, đơn vị có sản lượng xuất khẩu luôn cao hơn 20.000 tấn, nằm trong Top 10 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam. 

Quý I/2022, Angimex ghi nhận doanh thu đạt 1.019,7 tỷ đồng tăng 174,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 80,39 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9,99 tỷ đồng, lần lượt tăng 148,7%  và 285,7% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực chiếm tới hơn 80%, 20% còn lại là doanh thu từ giống, phân bón và các hoạt động thương mại...


 

 

 

PV
Cùng chuyên mục