Chỉ số mua hàng của Việt Nam tăng điểm, sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện
Điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện.
Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi đã khiến niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút. Kéo theo đó là các công ty trở nên thận trọng hơn trong việc tuyển nhân viên và mua hàng.
Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Chỉ số PMI của Việt Nam được cải thiện
Sản lượng đơn đặt hàng cho ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng trong đầu năm 2025 song vẫn còn khá khiêm tốn. Sự gia tăng đơn hàng phản ánh sự sẵn sàng cung ứng hàng hóa và sản xuất của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng cũng gia tăng nhẹ dẫn đến số đơn hàng mới có phần gia tăng.
Thực tế, lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã được giảm đáng kể từ tháng 7/2023 đến nay. Số đơn hàng từ nước ngoài vào Việt Nam đã giảm 5 tháng qua, kể cả đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Về chỉ số lao động, theo S&P Global, các nhà sản xuất tỏ ra thận trọng trong hoạt động tuyển dụng tháng 3. Cụ thể, số lượng nhân công giảm tháng thứ sáu liên tiếp, và nguyên nhân được cho là do sự suy giảm về nhu cầu gần đây và tình trạng nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, mức độ giảm số lượng nhân công là nhẹ nhất trong năm 2025 tính đến thời điểm này.
Về tồn kho, tồn kho hàng mua đã giảm dù mức giảm là ít đáng kể nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi có một số báo cáo cho biết các công ty ngần ngại trong việc tích trữ quá nhiều hàng tồn kho.
Đối với những công ty mua hàng hóa đầu vào, họ tiếp tục gặp phải tình trạng kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp, và nguyên nhân được cho là do chậm trễ trong việc nhận hàng hóa từ nước ngoài.
Về tổng thể, chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ, trong khi nỗ lực duy trì khả năng cạnh tranh đã khiến các nhà sản xuất ở Việt Nam phải giảm giá bán hàng tháng thứ ba liên tiếp.