Bắt đầu từ ngày 25/3/2022, Hoa Kỳ cấm nhập khẩu mặt hàng thủy sản từ Nga
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn về việc thực thi lệnh hành pháp mới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về việc cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản, đồ uống có cồn, và kim cương phi công nghiệp của Nga.
Theo hướng dẫn của OFAC, các mặt hàng được vận chuyển theo hợp đồng trước ngày 11/3/2022 sẽ vẫn được chấp nhận ở Hoa Kỳ, tuy nhiên, tất cả các hàng hóa nhập khẩu bị ảnh hưởng đều phải đến Hoa Kỳ muộn nhất vào “12:01 AM, ngày 25/3/2022”.
Trước đó Chính phủ Anh cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ tới Nga, đồng thời áp mức thuế nhập khẩu mới lên hàng trăm mặt hàng chủ chốt của Nga, trong đó có các loại cá thịt trắng của Nga, tăng lên mức lên 35%.
Chính phủ Anh thông báo lệnh cấm xuất khẩu sẽ sớm có hiệu lực, nhưng chưa đưa ra thời gian cụ thể. Anh phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu cá thịt trắng để đáp ứng nhu cầu trong nước, với lượng nhập khẩu 432.000 tấn, trị giá gần 1 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có 48.000 tấn đến từ Nga.
Với Việt Nam được biết, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam sang Nga và Ukraine không lớn nhưng căng thẳng giữa hai nước đang tạo ra những hệ lụy mang tính dây chuyền, ảnh hướng tới xuất khẩu thủy sản của các nước, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraine đều nằm trong số 20 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam tính theo giá trị. Cả hai nước này đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.
Đối với Nga - thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong 10 năm qua đã tăng từ 364.000 USD (năm 2012) lên hơn 14 triệu USD (năm 2021), tăng gấp hơn 39 lần.
Mặc dù trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này không ổn định nhưng đang có xu hướng tăng và phục hồi tốt sau đại dịch.
Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước, tăng 58% so với năm 2020 và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Riêng tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga tăng 427% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Ukraine là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu tăng gấp 58 lần trong 10 năm, từ mức 115 nghìn USD (năm 2012) lên 6,8 triệu USD (năm 2021); trong 5 năm trở lại đây, con số này tiếp tục gia tăng. Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng 106% so với năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước.
Nga hiện còn đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết căng thẳng Nga-Ukraine khiến một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng.
Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gãy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác.