Bất động sản TP HCM: Mòn mỏi chờ đô thị phức hợp
Lợi thế của khu đô thị phức hợp
Khu đô thị phức hợp đầu tiên của TP HCM là Phú Mỹ Hưng được hình thành tại quận 7, với quy mô hơn 300 ha, tích hợp các phân khúc bất động sản là căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… Sau khi được đưa vào hoạt động, Phú Mỹ Hưng đã nhanh chóng biến thành khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của TP HCM và cả Việt Nam. Hiện khu đô thị này có trên 30.000 người sinh sống, trong đó người nước ngoài chiếm hơn 50%.
Sau Phú Mỹ Hưng, TP HCM tiếp tục phát triển những khu đô thị tích hợp tương tự là Khu đô thị Sala tại quận 2, Khu đô thị Him Lam tại quận 7. Tại khu Đông, dự án tâm điểm đang được triển khai là Van Phuc City (quận Thủ Đức), với diện tích 198 ha, gồm khu biệt thự, nhà phố, nhà phố thương mại, chung cư, khu vui chơi giải trí mua sắm, công viên, bệnh viện, trường học quốc tế.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, dự án khu đô thị phức hợp sẽ giải được bài toán về quy hoạch bền vững cho TP HCM. Đối với chủ đầu tư, khu đô thị phức hợp giúp họ có thể phát triển dài hạn và ổn định dự án.
Các dự án khu đô thị phức hợp được phân kỳ phát triển theo từng giai đoạn, tổng thể sẽ đầy đủ các công năng, tiện ích khép kín cho người dân. Đi kèm theo đó là giá trị sản phẩm sẽ gia tăng theo từng giai đoạn và chỉ có những dự án này mới tạo ra được tiềm năng kinh tế lớn cho địa phương.
Mới đây, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ phát triển các khu đô thị phức hợp với quy mô lớn, tích hợp các chức năng phục vụ đời sống của người dân. “Những dự án này sẽ đáp ứng được nhu cầu sống của người dân và phù hợp với điều kiện phát triển khu đô thị thông minh, sáng tạo của TP HCM hiện nay”, ông Phong nói.
Một mô hình đô thị phức hợp.
Giới phân tích cho rằng, hướng phát triển trên là rất cần thiết cho thị trường bất động sản còn manh mún của TP HCM. Nhìn tổng thể, có thể thấy, thị trường phát triển manh mún, tự phát, các doanh nghiệp thường phát triển các dự án bất động sản với quỹ đất nhỏ, diện tích và số tầng không đồng đều, thậm chí càng về sau càng thấp tầng hơn.
Đa số các dự án vẫn nằm trên giấy
Với nhiều lợi thế như trên, nhiều dự án khu đô thị phức hợp đã được thành lập tại TP HCM, nhưng đa phần vẫn nằm trên giấy, các dự án đang triển khai chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Van Phuc City, Vin City…
Năm 2010, UBND TP HCM có quyết định chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn đẩy mạnh công tác triển khai Dự án Khu đô thị An Phú Hưng quy mô gần 700 ha, với mong muốn biến nơi đây là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ hai của Thành phố.
Thế nhưng, dự án không thể triển khai và đã bị xóa sổ. Hay Dự án Sing Việt tại huyện Bình Chánh có diện tích 331 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 1.939 tỷ đồng, đã hình thành hơn 20 năm nay, nhưng chưa thể triển khai xây dựng. Ngoài ra, nhiều dự án khu đô thị lớn khác như Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… cũng được hình thành hàng chục năm nay, nhưng chưa biết ngày được thực hiện.
Một trong các giá trị lớn nhất của khu phức hợp là môi trường sống hoàn chỉnh, với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu sống, giải trí và sinh hoạt của cư dân. Đó cũng là lý do khiến mô hình đô thị này luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của khách hàng.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông Group cho rằng, khái niệm khu đô thị phức hợp đã xuất hiện khá lâu ở các nước phát triển. Nguồn gốc cụm từ “phức hợp” xuất phát từ “complex” trong tiếng Anh, có nghĩa là liên hợp và phức hệ. Trong bất động sản, khu đô thị “complex” hay “phức hợp” được hiểu là một tổng thể đô thị gồm nhiều công trình khác nhau như: nhà liền kề, chung cư, trung tâm thương mại, y tế và cả giáo dục…
“Tại TP HCM, chỉ cần xây dựng mỗi phân khu một khu đô thị phức hợp, sau đó cho các doanh nghiệp địa ốc cùng triển khai các dự án này là sẽ giúp Thành phố giải quyết được các vấn đề như y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông, quy hoạch đồng bộ… và các doanh nghiệp địa ốc có thể phát triển dài hạn”, ông Phúc nói.