Bệnh viện Giao thông Vận tải tiếp tục lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng
Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý này của Bệnh viện Giao thông Vận tải đạt 50 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tương ứng, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng theo song tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của doanh thu thuần 7% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận gộp của Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về cho doanh nghiệp 230 triệu đồng, gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận khác kỳ này mang về cho Bệnh viện Giao thông Vận Tải 300 triệu đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Về mặt chi phí, chi phí bán hàng tăng 9 lần lên 360 triệu. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 1 tỷ đồng so với năm trước.
Cộng hưởng các yếu tố trên, Bệnh viện Giao thông Vận tải của bầu Hiển tiếp tục báo lỗ 3,3 tỷ đồng trong quý II/2019, giảm lỗ 55% so với con số thực hiện của cùng kỳ năm 2018 là âm 7,3 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Bệnh viện GTVT (tỷ đồng)
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận của Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng trương ứng 10% và 16% so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt trên 95 tỷ trong nửa đầu năm và lợi nhuận sau thuế âm 16 tỷ đồng, trong khi đó nửa đầu năm ngoái doanh nghiệp này lỗ tới 19 tỷ đồng.
Tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu thuần tiếp tục diễn ra tại doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay dẫn tới thực tế lợi nhuận gộp liên tiếp âm trong các quý vừa qua.
So với cùng kỳ, chi phí bán hàng của Bệnh viện Giao thông cũng tăng đột biến từ mức 60 triệu năm 2018 lên tới 400 triệu nửa đầu năm 2019.
Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này âm 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 11 tỷ. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 130 triệu.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 332 tỷ đồng, giảm 14 tỷ so với đầu năm. Trong đó, 257 tỷ nằm tại khoản mục tài sản cố định, tiền và các khoản tương đương tiền 24 tỷ đồng.
Trong kỳ này, Bệnh viện Giao thông Vận tải cũng dành ra gần 5 tỷ để dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối tháng 6 đạt trên 297 tỷ đồng, giảm so với con số 313 tỷ hồi đầu năm. Lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng.
Được biết, Bệnh viện Giao thông Vận tải, nơi Tập đoàn T&T của Bầu Hiển đang nắm 51,43% (tính tới cuối năm 2018). Đây cũng chính là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này và trở thành cổ đông lớn của Bệnh viện Giao thông Vận tải và làm Chủ tịch vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2018, Tập đoàn T&T của bầu Hiển tỏ ý muốn được thoái vốn toàn bộ tại bệnh viện Giao thông Vận tải. Công ty của bầu Hiển kiến nghị Nhà nước thu mua lại toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần bán cho cổ đông chiến lược với giá 11.000 đồng/cp. Tổng giá trị là 55,44 tỷ đồng theo Hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.
Đại diện T&T khẳng định, Tập đoàn T&T không tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của Công ty CP bệnh viện GTVT ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiến nghị rút toàn bộ vốn đã đầu tư và nhận được số tiền thanh toán hoàn trả.