Lệnh cấm ở Ấn Độ chặn đường tham vọng bành trướng toàn cầu của loạt ứng dụng Trung Quốc

01/07/2020 09:22 GMT+7
Căng thẳng sau cuộc đụng độ biên giới Trung - Ấn đang dần lan sang mặt trận thương mại và công nghệ, khi chính phủ Ấn Độ mới đây quyết định cấm cửa nhiều ứng dụng Trung Quốc bao gồm TikTok và WeChat.
Bị Ấn Độ cấm cửa, các ứng dụng công nghệ Trung Quốc thiệt hại ra sao? - Ảnh 1.

Người dân Ấn Độ ủng hộ chính phủ cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc như TikTok khi xung đột biên giới nóng lên

Viện cớ rủi ro an ninh quốc gia, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ mới đây đã chặn đứng hàng chục ứng dụng phổ biến thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử đến nhắn tin và mạng xã hội. Tất cả những ứng dụng bị cấm đều có một điểm chung: chúng xuất xứ từ Trung Quốc.

Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ hôm 29/6 tuyên bố quyết định cấm 59 ứng dụng di động này sau khi nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau, trong đó có các báo cáo về việc một số ứng dụng di động đang đánh cắp, lạm dụng dữ liệu người dùng trên nền tảng Android và iOS để truyền trái phép tới các máy chủ bên ngoài đất nước. Lệnh cấm được tuyên bố là động thái nhằm “bảo vệ lợi ích của người dùng dịch vụ di động và internet ở Ấn Độ”, đồng thời “bảo đảm sự an toàn và chủ quyền không gian mạng quốc gia”.

Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Ấn Độ sẽ thực hiện lệnh cấm bằng cách nào. Nhưng đến nay, theo nguồn tin từ Nikkei Asian Review, ít nhất 1 ứng dụng bị cấm là TikTok đã biến mất khỏi kho dữ liệu app và không thể tải xuống ở nước này. 

Quyết định cấm cửa 59 app Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm căng thẳng Trung Ấn nóng lên sau cuộc đụng độ quân sự ở biên giới khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không công khai con số thương vong cụ thể.

Căng thẳng cũng lan sang mặt trận thương mại khi chính phủ Ấn Độ kêu gọi các công ty viễn thông nhà nước không sử dụng thiết bị viễn thông từ Huawei, ZTE và tất cả các nhà cung cấp Trung Quốc khác trong việc nâng cấp mạng 4G và thử nghiệm mạng 5G thế hệ mới. Trong khi đó, trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội Ấn Độ, hashtag #BoycottChinese Products tẩy chay hàng hóa Trung Quốc cũng được lan truyền phổ biến, thu hút sự ủng hộ của nhiều ngôi sao Bollywood. 

Trong một bài phát biểu hồi tháng 5, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi người Ấn Độ xây dựng một quốc gia "tự chủ" trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh Trung - Ấn cạnh tranh mạnh mẽ từ mặt trận kinh tế đến công nghệ.

Khi quan hệ Trung Ấn tồi tệ đi, hầu hết các đại gia công nghệ Trung Quốc từ ByteDance (cha đẻ TikTok), Tencent Holdings (nhà phát triển ứng dụng nhắn tin WeChat), Alibaba Group (Nhà phát triển trình duyệt UC Browser, ứng dụng dịch vụ bản đồ Baidu và điều hành nền tảng mạng xã hội Weibo…) đều không thoát khỏi ảnh hưởng. 

Ấn Độ từ lâu đã được ví là một miếng phô mai béo bở với hơn 1 tỷ dân và tốc độ phát triển xã hội nhanh chóng. TikTok là một trong những ứng dụng Trung Quốc kiếm bộn tiền từ Ấn Độ với 323 triệu lượt download ở Ấn Độ vào năm 2019, theo công ty tình báo thị trường Sensor Tower. Hay trình duyệt UC Browser của Alibaba cũng chiếm tới 12,6% thị phần trình duyệt tại Ấn Độ tính đến tháng 5/2020m theo số liệu từ Statcorer. Mặc dù vẫn thua xa Chrome của Google với thị phần 75%, nhưng nó đã vượt xa Safari và Firefox của Apple sở hữu lần lượt 3,2% và 2,15% thị phần thị trường.

Vì vẫn chắc chân tại thị trường nội địa, nên những lệnh cấm cửa ở Ấn Độ khó gây thiệt hại nghiêm trọng đến hiệu quả tài chính của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm là đòn giáng nặng nề vào tham vọng bành trướng toàn cầu của họ.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục